Tiếp tục rà soát chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu
Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đề ra.
Cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị sửa đổi, quy định: chi phí đưa xăng dầu về cảng Việt Nam, yếu tố điều chỉnh giá (premium) áp dụng theo thực tế thị trường.
Bộ Tài chính cho rằng, kiến nghị nêu trên của cử tri có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì nghiên cứu trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung.
Với vai trò là đơn vị phối hợp điều hành giá xăng dầu trong nước và được giao nhiệm vụ thông báo các chi phí định mức trong công thức giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Để xác định, tính toán giá cơ sở xăng dầu trong nước, Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã quy định công thức tính giá cơ sở, các yếu tố chi phí định mức, kỳ thông báo chi phí định mức để tính giá cơ sở.
Theo đó, các khoản chi phí định mức để tính giá cơ sở bao gồm chi phí phát sinh từ khâu nhập mua xăng dầu (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng) và chi phí phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu trong nước từ thương nhân đầu mối đến tận cửa hàng bán lẻ xăng dầu cuối cùng (chi phí kinh doanh xăng dầu).
Các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được Bộ Tài chính rà soát công bố 2 lần/năm (trừ trường hợp biến động bất thường); chi phí kinh doanh xăng dầu được tổng hợp theo kết quả kiểm toán chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối và thông báo định kỳ 1 lần/năm.
Các thương nhân đầu mối có trách nhiệm báo cáo chi phí thực tế phát sinh và đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ về Bộ Tài chính, Bộ Công thương để làm cơ sở rà soát, tính toán định mức.
Trong năm 2022, việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở trong năm 2022 đã được Bộ Tài chính thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.
Theo đó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 3 lần theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: Lần 1 vào ngày 10/1/2022 (công văn số 211/BTC-QLG), lần 2 vào ngày 10/7/2022 (công văn số 6623/BTC-QLG), lần 3 vào ngày 8/11/2022 (công văn số 11575/BTC-QLG); Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh 2 lần theo thực tế báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP: lần 1 vào ngày 10/1/2022 (công văn số 211/BTC-QLG); lần 2 vào ngày 7/10/2022 (công văn số 10281/BTC-QLG).
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương trong việc rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra./.