Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên, trẻ em
9 tháng năm 2023, các đơn vị đã chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được kết quả nhất định về công tác thanh niên, trẻ em; đồng thời, kiến nghị, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên, trẻ em...
Chiều 25.9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và dự kiến chương trình công tác năm 2024 đối với công tác thanh niên, trẻ em. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ chủ trì cuộc làm việc.
Tăng cường giám sát thực hiện Luật Thanh niên
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, năm 2023, Bộ đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thanh niên. Bộ cũng đã hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 bảo đảm bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương; xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí triển khai thực hiện.
Đến nay, có 10/30 bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên đến năm 2030; trong đó, chú trọng các chỉ tiêu về thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng gắn với quy hoạch, tạo nguồn đối với nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, ở một số bộ, ngành, địa phương văn bản chỉ đạo thực hiện Chiến lược đã ban hành nhưng việc triển khai chưa được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Nhiều nhiệm vụ, đề án được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành trung ương chủ trì thực hiện tại chiến lược còn chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện...
Trong khi đó, đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được quy định trong Luật Thanh niên năm 2020, Trung ương Đoàn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức Tháng Thanh niên; thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về thanh niên; tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của thanh niên đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; tham gia phối hợp xây dựng, tuyên truyền và thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên...
Trung ương Đoàn đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tăng cường công tác giám sát thực hiện Luật Thanh niên năm 2020, các chính sách đối với thanh niên trên các lĩnh vực và đối tượng thanh niên...
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em
Đối với lĩnh vực trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: 9 tháng năm 2023, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các chương trình, đề án về trẻ em, chủ động phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết các vấn đề về trẻ em: bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích; kịp thời tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến trẻ em; kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về trẻ em...
Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em vẫn diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn gia tăng. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các chương trình, mục tiêu về trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em không đáp ứng kịp yêu cầu thực tế; một số địa phương chưa quan tâm đầu tư, phân bổ ngân sách địa phương để triển khai các giải pháp, mô hình duy trì, phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; tổ chức và nhân lực làm công tác trẻ em thường xuyên có sự thay đổi, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này chưa thường xuyên nên ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công tác trẻ em...
Năm 2024, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em... Thúc đẩy, hướng dẫn việc phân bổ ngân sách địa phương thực hiện các giải pháp, mô hình và hoàn thành các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; chủ trì phối hợp, hướng dẫn bộ, ngành, địa phương triển khai lộ trình thực hiện các Khuyến nghị về quyền trẻ em của Ủy ban quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc theo Kế hoạch thực hiện Khuyến nghị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Nâng cao hiệu quả chương trình, hoạt động về thanh niên, trẻ em
Qua xem xét các báo cáo, Thường trực Ủy ban ghi nhận kết quả các đơn vị đã chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được trong 9 tháng năm 2023 về công tác thanh niên, trẻ em; cơ bản đồng tình với những nhận định về tồn tại, hạn chế, khó khăn trong năm 2023 và dự kiến chương trình công tác năm 2024; ghi nhận những kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, hoạt động về thanh niên, trẻ em.
Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ Nội vụ tích cực hơn nữa trong tham mưu cho Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam. Công tác xây dựng thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên cần được quan tâm hơn, tạo thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động và thống kê về thanh niên ở các cấp...
Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương Đoàn chủ động tham gia cùng với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách cho thanh niên; trực tiếp quản lý và triển khai các chương trình, dự án về dạy nghề, tạo việc làm, dịch vụ việc làm cho thanh niên. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách cho thanh niên. Phát huy sự tham gia của thanh niên trong xây dựng chính sách, tham gia thực thi chính sách về thanh niên...
Đối với lĩnh vực trẻ em, Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các địa phương nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả và tính chủ động trong công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em; khắc phục tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì, dậy thì sớm ở khu vực đô thị, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Quan tâm khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện chăm sóc thay thế đối với trẻ em mồ côi; tham mưu, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em...
Ghi nhận ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm tăng cường năng lực hoạt động công tác quản lý nhà nước về công tác thanh niên, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm phát huy vai trò của thanh niên; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác Đoàn; chủ động tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, đề xuất chính sách về công tác thanh niên và cho thanh niên; triển khai chương trình đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, quan tâm hỗ trợ thanh niên công nhân...
Bộ Lao động Thương binh, Xã hội triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về trẻ em; rà soát, kiến nghị, tham mưu sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về trẻ em...