Tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Sáng 21/10, tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Sáng 21/10, tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Sáng 21/10, tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: lao động, thương binh và xã hội; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường; giáo dục, đào tạo. Đến nay, 2.238 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 97,8%.

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 35/35 kiến nghị, đạt 100%. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.112/2.162 kiến nghị, đạt 97,7%.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Đăng Khoa)

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Đăng Khoa)

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 27/27 kiến nghị, đạt 100%, trong đó, đã trả lời về hỗ trợ kinh phí để Tòa án nhân dân địa phương tổ chức phiên tòa trực tuyến; tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Viện kiểm sát nhân dân các địa phương; hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự…

Kết quả giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số đối tượng và hiệu quả thực hiện một số chính sách ưu đãi của nhà nước. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, đó là công tác xây dựng pháp luật còn chậm.

3 năm, chính sách vẫn chưa thể triển khai vì phải chờ hướng dẫn

Báo cáo dẫn chứng, ngày 18/1/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, “người lao động có thu nhập thấp” là một trong các đối tượng được thụ hưởng chính sách “phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”.

Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định “người lao động có thu nhập thấp”. Do không có cơ sở để xác định thế nào là “người lao động có thu nhập thấp” nên các địa phương không thể thực hiện được chính sách theo Quyết định số 90.

Sáng 21/10, tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Sáng 21/10, tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Điều này đồng nghĩa, sau gần 3 năm Quyết định số 90 có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn xác định “người lao động có thu nhập thấp” nên chính sách ưu đãi này chưa được triển khai trên thực tế, trong khi thời gian thực hiện quyết định chỉ còn hơn 1 năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn việc xác định “người lao động có thu nhập thấp” làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, xây dựng ban hành chính sách, bảo đảm chính sách đưa ra được thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Thiếu vaccine vì ban hành kế hoạch quá chậm

Báo cáo cũng đề cập việc cử tri nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập nên nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Qua giám sát cho thấy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98 ngày 10/7/2023 về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nghị quyết đã xác định bảo đảm có vaccine sớm nhất là một nhiệm vụ cấp bách và giao Bộ Y tế trong tháng 7/2023, trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 104 quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, đến ngày 5/2/2024, Nghị định số 13 sửa đổi Nghị định số 104 mới được ban hành, theo đó ngân sách trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để bảo đảm kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đến tháng 6/2024, Bộ Y tế mới ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024, quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện.

Theo báo cáo, tại nhiều địa phương tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến thời điểm tháng 9/2024 vẫn còn xảy ra tình trạng này.

Ủy ban Thường vụ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các địa phương có giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Vẫn theo báo cáo, cử tri tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ tính giá dịch vụ y tế.

Qua giám sát cho thấy, theo quy định tại Nghị định số 60, đến hết năm 2021 cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; theo Nghị định số 96 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh: “Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo các quy định đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt cho đến khi có quy định mới nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2024”.

Đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền về phương pháp định giá và giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh trong khi chỉ còn gần 3 tháng nữa là thời hạn phải áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh để áp dụng từ ngày 1/1/2025.

Báo cáo thẩm định cũng thông tin, thời gian qua, cử tri nhiều địa phương cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến điều chỉnh trợ cấp hằng tháng cho đối tượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non; hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị: Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri; đảm bảo thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri kịp thời, đúng quy định.

Đối với Chính phủ, Bộ ngành ở Trung ương: Tập trung giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; tiếp tục quan tâm hơn nữa việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

SƠN BÁCH (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tiep-tuc-tang-cuong-hon-nua-chat-luong-hoat-dong-giam-sat-viec-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-post837800.html