Tiếp tục tăng cường phối hợp tháo gỡ ùn ứ nông sản tại Lạng Sơn

Tính đến sáng nay (21/12), tổng lượng xe hàng nông sản xuất khẩu tồn tại 03 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) là hơn 4.400 xe. Để giải bài toán ùn ứ nông sản này, ngoài những giải pháp trước mắt, cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ và mang tính lâu dài hơn.

Tình trạng ùn ứ nông sản tại Lạng Sơn đang khiến nhiều chủ hàng như "ngồi trên đống lửa", hiện chỉ duy nhất cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang thông quan, cửa khẩu Tân Thanh đã tạm dừng thông quan từ 18/12, cửa khẩu Chi Ma tạm dừng từ 8/12.

Trong khi đó, theo thông báo mới nhất từ phía nước bạn Trung Quốc cũng thông báo 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2022 sẽ không thực hiện thủ tục thông quan hàng bảo quản lạnh. Lượng hàng nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là dưa hấu (tỉnh Quảng Ngãi), thanh long (tỉnh Bình Thuận), chuối xanh (tỉnh Tiền Giang), mít (tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang), xoài (tỉnh Bình Định)...

Phải chờ đợi quá lâu, nhiều mặt hàng bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều chủ hàng phải lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ gạc phần nào chi phí. Ảnh: Duy Thái

Theo ghi nhận, do phải chờ đợi quá lâu tại cửa khẩu, nhiều mặt hàng bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều chủ hàng phải lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ gạc phần nào chi phí. Một chủ hàng kinh doanh hàng trái cây xuất khẩu hơn 5 năm nay cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại gia đình tôi đã có gần 20 container phải quay đầu do chờ đã trên 20 ngày tại cửa khẩu nhưng vẫn chưa thể thông quan được nên buộc phải đầu để bán với giá rẻ để lấy chi phí đi lại cho tài xế, và hiện tại còn rất nhiều xe vẫn đang chờ tại Tân Thanh. Dù đã làm nghề này nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy tình cảnh khó khăn và bi đát như hiện tại, chỉ riêng tháng này tôi chúng tôi đã thua lỗ hơn 6 tỷ đồng".

Việc một số doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, dẫn đến trường hợp một số lái xe phát hiện nhiễm COVID-19. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí kiểm dịch cả hàng hóa khiến ùn tắc xe chở nông sản. Trong khi đó, lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã vượt quá khả năng thông quan trong thời điểm hiện tại.

Tỉnh Lạng Sơn kiến nghị cần thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch với các điều khoản rõ ràng, minh bạch giữa các bên… Ảnh: Duy Thái

Mặc dù tỉnh Lạng Sơn đã tích cực khuyến cáo, tuy nhiên chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp để điều tiết hàng hóa xuất khẩu đưa lên biên giới. Điều này đã gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý quản lý điều hành trong việc đảm bảo ANTT, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, cũng như áp lực lên hạ tầng bến bãi…

Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, nhận định: "Để giải quyết tình trạng ùn ứ, chúng ta cần đẩy nhanh việc buôn bán với phía Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, chứ không theo thông lệ hiện nay là mua bán tiểu ngạch, trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới. Điều này đã rất đến nhiều thiệt hại như chúng ta đã biết là có thể bị ép giá, xuống cấp về chất lượng, khó khăn trong công tác quản lý của 2 bên, gây rất nhiều thiệt hại đối với người dân và doanh nghiệp".

Tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động XNK hàng hóa. Ảnh: Duy Thái

Trong khi đó, Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đề xuất: "Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tỉnh biên giới, đặc biệt như Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm trong xuất khẩu nông sản của Việt nam, có điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi, dịch vụ logistics để đảm bảo hàng hóa của chúng ta khi bị ùn ứ, không thông quan được ngay thì nhờ đó có điều kiện để bảo quản, đảm bảo chất lượng hàng hóa không bị hư hỏng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp XNK".

Xem thêm video được quan tâm:

Dương Tú

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//tiep-tuc-tang-cuong-phoi-hop-thao-go-un-u-nong-san-tai-lang-son-169211221173013624.htm