Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế chính sách ngành Xây dựng

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của ngành Xây dựng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Năm 2021, Bộ đã tập trung chỉ đạo để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII và tháo gỡ vướng mắc về thể chế nhằm thu hút, phát huy nguồn lực, tạo điều kiện cho phát triển. Bộ đã trình và được Chính phủ ban hành tám Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định; một Chỉ thị. Bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (tương ứng với 16 điều kiện đầu tư kinh doanh); cắt giảm, đơn giản hóa 59 trong tổng số 172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với chín ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%) trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng... Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 53%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng.

Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đề xuất cơ chế chính sách và gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Hoàn thành công tác nghiệm thu công trình Nhà Quốc hội Lào. Tiếp tục triển khai chương trình phát triển vật liệu xây dựng; các Chiến lược và Đề án đã được phê duyệt.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành biểu dương các kết quả đã đạt được của ngành Xây dựng trong năm qua. Theo đó, giá trị sản xuất của ngành đều đạt và vượt kế hoạch năm; tập trung hoàn thiện tốt thể chế; có các giải pháp phân cấp, phân quyền hiệu quả, từng bước tạo đột phá trong cải cách hành chính. Công tác quản lý đầu tư xây dựng được cải thiện, bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, góp phần hạn chế thất thoát, bảo đảm hiệu quả đầu tư (điển hình là nghiệm thu đưa dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào vận hành). Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường bất động sản, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải tạo chung cư cũ tại các đô thị. Chung tay cùng Chính phủ phòng, chống dịch Covid-19... Mặc dù vậy, một số nhiệm vụ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách của ngành còn chậm so với diễn biến thực tế trên thị trường; chất lượng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch còn hạn chế; tình trạng vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng còn nhiều.

Phó Thủ tướng đề nghị, ngành Xây dựng cần tiếp tục tập trung đột phá về thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát. Làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cũng như quá trình triển khai phát triển đô thị, trong đó lưu ý việc chỉnh trang, giữ gìn bản sắc các khu đô thị lõi, bảo đảm đồng bộ các khu đô thị mới, tăng khả năng kết nối hạ tầng đô thị. Phối hợp chặt chẽ các địa phương để kiểm tra, kiểm soát quản lý trật tự xây dựng; phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ cũng như các chương trình nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách. Thực hiện tốt xây dựng hệ thống định mức đơn giá phù hợp thực tế, công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Tiếp tục quan tâm phát triển ngành vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo đảm môi trường, chất lượng. Triển khai hiệu quả Luật Kiến trúc...

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các đơn vị trong ngành xây dựng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó tập trung thực hiện 3 khâu đột phá của ngành Xây dựng: Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương. Tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

Đồng thời, tiếp tục triển khai tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng, theo dõi sát tình hình sản xuất và thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm tiến độ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn đúng theo quy định, không làm thất thoát vốn, tài chính, tài sản nhà nước, tối đa hóa lợi ích nhà nước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/tiep-tuc-tap-trung-hoan-thien-the-che-chinh-sach-nganh-xay-dung-678811/