Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, 14 giờ 1-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...
Tham gia thảo luận vào nội dung này, đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào và tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng.
Trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật và cách ứng xử đùn đẩy né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, dẫn đến sự trì trệ, là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển.
Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần tiếp tục và tập trung các giải pháp tích cực, tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, nhằm khai thông mọi nguồn lực và dòng vốn trong nền kinh tế. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường xuất nhập khẩu; Đồng thời các chính sách có tính đột phá tích cực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực nhà nước không làm hoặc không làm được.
Cùng với đó, trong lĩnh vực đầu tư, ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính quốc gia và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư của nền kinh tế, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng quốc gia, hạ tầng giao thông liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng xanh, hạ tầng số gắn với triển khai nhanh và hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn ODA cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, tránh lãng phí và tạo gánh nặng nợ công.
Đại biểu cho rằng, năng suất lao động quốc gia tuy có cải thiện nhưng chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng, đang thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình và sớm có đề án chính sách tổng thể có tính chiến lược nâng cao năng suất lao động quốc gia, gắn với cơ cấu là nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, trình độ cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài.Liên quan đến vấn đề khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, đại biểu đề nghị cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, chậm thanh toán các danh mục thuốc theo bảo hiểm y tế… Đây là những vấn đề nóng trong xã hội được nhiều cử tri quan tâm. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp giải quyết dứt điểm.
Trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu cho rằng việc thực hiện chương trình giáo dục còn nhiều bất cập, chưa có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất còn hạn chế. Nhấn mạnh đến chính sách giáo dục cần phải được nhà nước quan tâm, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để khắc phục sớm những bất cập trong lĩnh vực giáo dục. Việc đổi mới cải cách giáo dục và đào tạo cần bảo đảm tính đồng bộ, liên thông và nhất là tính ổn định.
Chính phủ cần sớm có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng nhiều bản án của tòa án đã có hiệu lực thi hành nhưng chậm hoặc không thi hành gây nhiều bức xúc và giảm niềm tin của công dân đối với tính pháp chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
TRÍ NGHĨA