Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường nhằm đảm bảo cân đối cung cầu
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu.
Tháng 1 trùng với Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm 2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 34,2% so với tháng 01/2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 435,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng may mặc tăng 27%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 23,8%; lương thực, thực phẩm tăng 17,9%; phương tiện đi lại tăng 14,8%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 7,2%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Một so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Đà Nẵng tăng 24,7%; Hà Nội tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 13,9%; Quảng Ninh tăng 11,4%; Khánh Hòa tăng 9,3%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%.
Nhìn chung, trước, trong và sau Tết, hàng hóa dồi dào (tăng hơn 20% so với ngày thường) đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Do sức mua năm nay không lớn (tăng từ 8-10% tùy từng mặt hàng) nên giá phần lớn các mặt hàng trước và sau tết chỉ tăng nhẹ (trong khoảng 2-10% tùy mặt hàng), nguồn cung mặt hàng thịt lợn ổn định, giá thấp hơn năm trước. Thị trường không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung được bảo đảm.
Chủ động rà soát cung cầu hàng hóa
Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất của ngành Công Thương phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong đó, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu; đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
- Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, ngày 8 tháng 12 năm 2022, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, kết hợp với phiên họp thường kỳ của Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 12/2023.
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, An Giang; đại diện lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng, Tập đoàn, Tổng công ty và đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương.
Ngay sau Hội nghị, Bộ Công Thương đã gửi Thông báo số 296/TB-BCT ngày ngày 8 tháng 12 năm 2022 về Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị đến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan để khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ về chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Tại các địa phương, thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.
Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố đã có chủ trương huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động (Cần Thơ, Đồng Nai), cung ứng/vận chuyển hàng Tết miễn phí cho người dân ở các vùng hải đảo, miền núi (như tại Kiên Giang, Bình Thuận)…
Tại các Tập đoàn, Tổng công ty, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các đơn vị sản xuất (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam...) đã có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, cụ thể:
- Đối với mặt hàng xăng dầu: Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, trong những ngày đầu tháng 01/2023, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố kỹ thuật và Dung Quất không nhập được dầu thô do thời tiết xấu nên cả 2 Nhà máy lọc dầu đều hoạt động ở công suất thấp. Để tăng tối đa nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp Tết Nguyên đán, hiện tại BSR đã tăng công suất lên 110%, NSRP đã hoàn thành khắc phục sự cố, vận hành 100% công suất từ ngày 15/1. Về hệ thống bán lẻ, PVOIL đã nhập khẩu tăng thêm 40.000 m3 xăng dầu để đảm bảo đủ nguồn cho toàn hệ thống PVOIL trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chủ động triển khai công tác đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp nước ngoài và trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất/Nghi Sơn) để ổn định nguồn cung, tiến hành nhập hàng về 07 điểm kho: Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh.
Dự kiến trong tháng 01/2023 (tháng Tết) và tháng 02/2023 (sau Tết), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có kế hoạch nhập khoảng 1,83 triệu m3, tấn xăng dầu các loại (tăng 6,7% so với tổng nguồn tối thiểu bình quân tháng được phân giao) và tiếp tục lập kế hoạch mua hàng cho tháng 03/2023 để đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ của Tập đoàn trong dịp trong và sau Tết Nguyên đán.
- Đối với mặt hàng LPG: Tập đoàn dầu khí Việt Nam dự kiến nhu cầu tiêu thụ LPG tháng 1-2/2023 chỉ đạt khoảng 170-190 nghìn tấn/tháng, thấp hơn so với các tháng thông thường khoảng 10-20 nghìn tấn. Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PV GAS) duy trì ổn định hoạt động sản xuất của các nhà máy GPP Dinh Cố và Cà Mau và cung cấp cho thị trường khoảng 25-30 ngàn tấn/tháng, tiếp tục duy trì các hợp đồng term mua LPG cho năm 2023 và cân đối các hợp đồng spot tùy theo nhu cầu thị trường để đảm bảo nguồn hàng theo cam kết, đồng thời góp phần ổn định nguồn cung cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
- Đối với các mặt hàng bánh, mứt kẹo, rượu bia, thuốc lá: Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 khoảng 577 triệu bao thuốc lá, khoảng 1.190 tấn sản phẩm bánh kẹo các loại; Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội sản xuất khoảng 105 triệu lít bia các loại, 600 nghìn lít rượu (rượu Vodka Hà Nội, rượu Hà Nội can pet, rượu Thanh Mai, rượu Lúa mới, rượu Nếp mới,...).
Giữ ổn định thị trường dịp Tết
Thị trường các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú, tuy nhiên, người dân, người lao động có xu hướng chi tiêu cẩn trọng hơn, tiết giảm những chi phí không cần thiết. Sức mua trong các tháng cuối năm và dịp Tết tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong vài tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.
Mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau củ quả... trong những ngày cận Tết tăng theo quy luật thị trường, mức tăng không quá cao và giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức tương đương hoặc thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5-10%, giá bán được giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau Tết.
Với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn, xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm.
Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn nhờ vào sự tiện lợi của loại hình này cùng với việc nhà cung cấp tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp...
Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, một số địa phương như Kiên Giang, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai... đã có nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa hàng về phục vụ bà con tại các xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn chung, thị trường Tết năm nay khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại từ ngày mùng 1, mùng 2 Tết, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.
Thị trường các mặt thực phẩm những ngày từ 26-30 Tết khá sôi động, sức mua đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh hơn nhưng do nguồn cung dồi dào, mặt bằng giá các mặt hàng này chỉ tương đương so với Tết năm trước. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lực chọn.
Các mặt hàng bánh mứt kẹo, đồ uống, giá tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm trước do chi phí sản xuất tăng, nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Ngày mùng 01 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, người dân chủ yếu đi chúc Tết, lễ chùa.
Từ ngày mùng 2 Tết, sau thời gian nghỉ, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. Giá các mặt hàng thực phẩm ổn định so với những ngày sát Tết và tăng nhẹ so với với ngày thường.
Thị trường tương đối ổn định, không có hiện tượng mất cân đối cung cầu gây tăng giá bất thường. Từ ngày mùng 4 Tết, hầu hết các hệ thống phân phối, chợ truyền thống đều hoạt động bình thường; giá hàng hóa tại các siêu thị không đổi so với trước Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ cũng có xu hướng giảm trở lại về mức tương đương như ngày thường, riêng giá rau xanh tại một số tỉnh phía Bắc vẫn ở mức cao do thời tiết giá lạnh, rau chậm phát triển. Các loại hoa, quả vẫn giữa giá như trước Tết do nhu cầu đi lễ đầu năm.
Trong những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhằm không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường. Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Toàn Ngành bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Chính phủ giao năm 2023, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết 01 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.