Tiếp tục thúc đẩy chương trình AI
UBND TPHCM vừa có buổi làm việc về định hướng xây dựng Chiến lược trí tuệ nhân tạo (AI) quốc gia và công tác tổ chức cho Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020, với quyết tâm thúc đẩy chương trình AI của thành phố phát triển.
Cùng phát triển với Bộ KH-CN
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết bộ đã dự thảo Chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực giao thông vận tải, logistics, du lịch, thương mại điện tử, viễn thông, giáo dục, quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công. Dự thảo Chiến lược cũng đề xuất xây dựng 3 trung tâm đổi mới sáng tạo về AI đặt tại 3 miền của đất nước, một trong số đó dự kiến đặt tại TPHCM. Về phía TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết thành phố đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển AI, do đó việc phối hợp với Bộ KH-CN trong các hoạt động liên quan tới lĩnh vực AI được thành phố ưu tiên và đầu tư nguồn lực.
TPHCM đặt quyết tâm cao từ lãnh đạo thành phố đến các sở ngành, chuẩn bị tâm thế, tiền đề quan trọng cho việc xây dựng chương trình AI. Từ tháng 3-2019, Sở TT-TT và Sở KH-CN đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025”, qua đó xác định thực trạng ban đầu cho chương trình AI của thành phố. Qua thống kê, TPHCM có 30 chương trình AI của các viện, trường đang phát triển, đã xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu ứng dụng AI tại thành phố. Ban Xây dựng và điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu ứng dụng AI cũng sắp được hình thành. Tháng 9-2019, hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Khuyến cáo cho TPHCM” đã được UBND TPHCM tổ chức, cùng với sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhằm mục tiêu thực hiện thành công Chương trình “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025”. Những kết quả của hội thảo là cơ sở quan trọng để TPHCM xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm AI trong thời gian tới.
Với tiềm lực là một thành phố trẻ có mật độ KH-CN cao đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở tổ chức liên quan, lại có khả năng thương mại tại chỗ từ hơn 10 triệu dân cư và 30.000 doanh nghiệp (DN), TPHCM đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu phát triển với DN triển khai, dưới sự lãnh đạo, khuyến khích, đặt hàng từ chính quyền và các sở ban ngành.
Kỳ vọng thành ngành kinh tế chủ lực
Sở TT-TT vừa trình UBND TPHCM Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020-2030”, với tầm nhìn đến năm 2030, AI trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh bền vững. Chương trình này cũng đặt mục tiêu chung: xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số, xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; ngành công nghiệp AI nói riêng và công nghệ thông tin nói chung sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực trong tăng trưởng GRDP của thành phố. TPHCM trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI; có trình độ phát triển AI nằm trong nhóm các thành phố dẫn đầu trong khu vực ASEAN…
TPHCM cũng xây dựng các mục tiêu cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Quốc Cường, đó là: Xây dựng cơ chế, chính sách và thị trường phát triển AI (xây dựng các khung pháp lý cơ bản đầy đủ, tạo cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển AI từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội); Xây dựng hạ tầng tính toán (bao gồm hạ tầng số, hạ tầng siêu máy tính xử lý, phân tích AI, phục vụ cho các hoạt động trong hệ sinh thái AI gồm nghiên cứu, khai thác và thử nghiệm); Xây dựng hạ tầng dữ liệu (trong đó dữ liệu dùng chung, dữ liệu chia sẻ, dữ liệu mở của các lĩnh vực thuộc tất cả cơ quan quản lý nhà nước và dữ liệu cộng đồng); 100% cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở dữ liệu nghiệp vụ được kết nối, chia sẻ, mở phục vụ ứng dụng AI; Nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các ứng dụng AI (các nhóm giải pháp: đề án đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, trong đó ưu tiên áp dụng công nghệ AI vào các vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân).
Ông Lê Quốc Cường nêu kỳ vọng, chương trình sẽ thúc đẩy gia tăng số lượng DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực AI và gia tăng tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI; thúc đẩy các DN triển khai ứng dụng AI trong chuyển đổi số nhằm phát huy nội lực, tăng tính cạnh tranh; sớm triển khai các giải pháp huy động vốn đầu tư cho phát triển các DN và thương hiệu làm AI ở Việt Nam, xây dựng các sản phẩm, ứng dụng AI trở thành sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố.
UBND TPHCM và Bộ KH-CN đã thống nhất kế hoạch triển khai cho Ngày hội AI Việt Nam, sẽ được tổ chức trong Tuần lễ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo của thành phố từ ngày 24 đến 28-11; trong đó, Ngày hội AI Việt Nam sẽ được tổ chức ngày 27 và 28-11. Hiện TPHCM đã khởi động các hoạt động của Tuần lễ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo thông qua các cuộc thi liên quan tới AI. Chủ đề năm nay sẽ là giải quyết vấn đề giao thông cho TPHCM.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tiep-tuc-thuc-day-chuong-trinh-ai-669323.html