Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới
Ngày 27/2/1955, Bác Hồ có thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế, Báo Nhân dân đã đăng tải cùng ngày. Thư Bác ngắn gọn chỉ có 368 từ, súc tích, dễ hiểu với bao điều căn dặn. Những điều căn dặn đó đến nay đích thực vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho tư tưởng, phương châm và hành động của Ngành xuyên suốt 65 năm qua, nhất là về sự thật thà đoàn kết, thương yêu người bệnh và xây dựng nền y học nước nhà.
Thấm nhuần lời dạy của Người, đồng hành cùng ngành Y tế của cả nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã luôn sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và từng bước nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.
Tiếp theo đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đã chủ động ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, nổi bật như: Chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020 (là trong 8 chương trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016-2020); Đề án Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đến năm 2020; Đề án Phát triển y tế chuyên sâu đến năm 2020; Đề án Duy trì, mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2015-2020; Đề án Đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy về y tế hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, luôn coi trọng và thường xuyên tăng cường các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong những tình hình mới. Tỉnh luôn luôn xác định và coi trọng việc phát triển y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng và an ninh của địa phương, cơ sở.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống y tế từ tỉnh đến xóm làng, thôn bản, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân. Mọi người dân, bất kể là ai, sống ở đâu, hoặc có điều kiện kinh tế ra sao đều được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần. Tính đến hết năm 2019, nhiều chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã được đổi mới, sắp xếp, tinh gọn, giảm từ 34 xuống 26 đầu mối, sau sắp xếp đã phát huy tốt hiệu quả hoạt động. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, nhất là đào tạo chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao và bác sĩ cho tuyến xã, thôn, bản, bác sĩ gia đình. Nhân lực y tế tăng từ 11 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2015, nay đã nâng lên 15 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2019. Tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ hằng năm đạt trên 97%. Quy mô giường bệnh toàn tỉnh tăng từ 35,3 giường/10.000 dân năm 2015, nay đã nâng lên 48,5 giường/10.000 dân cũng vào năm 2019. Công tác xây dựng, củng cố xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế gắn với Chương trình Xây dựng nông thôn mới được chú trọng; đã có 173/178 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, bằng 96,1%; dự kiến năm 2020 phấn đấu đạt 97,2%.
Chất lượng dân số từng bước được nâng lên, chỉ tiêu giảm tỷ suất sinh thô hằng năm đạt và vượt kế hoạch. Hệ thống khám, chữa bệnh phát triển đồng bộ cả công lập và ngoài công lập. Toàn tỉnh có 2 bệnh viện tuyến tỉnh đạt hạng I, 3 bệnh viện tuyến huyện đạt hạng II và 7 bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2018. Mạng lưới y tế chuyên sâu được hình thành, hệ thống bệnh viện vệ tinh được mở rộng. Cùng với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, tỉnh đã xây dựng được 3 bệnh viện vệ tinh của 5 bệnh viện tuyến Trung ương (gồm: Bạch Mai, Nội Tiết, Phụ sản, Nhi và Tim Hà Nội) nhằm nâng cao năng lực khám, cấp cứu, điều trị các ca bệnh nặng trong và ngoài tỉnh, giảm tải cho tuyến trên. Các cơ sở y tế tiếp tục được tỉnh đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hệ thống y tế dự phòng được củng cố và phát triển từ tỉnh đến cơ sở; công tác phòng bệnh luôn được duy trì thực hiện tốt, nhiều năm liền trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, hệ thống y tế các cấp trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu, ứng phó theo đúng quy trình, quy định một cách nghiêm túc, nghiêm ngặt, hiệu lực, hiệu quả, nổi bật là việc chủ động các phương án về phòng, chống dịch bệnh, các giải pháp về thu dung bệnh nhân, quản lý người có nguy cơ cao về lây nhiễm, chuẩn bị sẵn sàng đủ cơ số thuốc, thiết bị y tế và địa điểm để tiếp nhận, cách ly, điều trị khi cần thiết. Với sự chủ động, quyết liệt ấy, mặc dù trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh lây lan như: Có hệ thống giao thông thuận tiện nối liền với các tỉnh biên giới phía Bắc; lưu lượng người nước ngoài đến địa bàn tham quan du lịch, lao động và học tập khá nhiều; số người tập trung ở các khu công nhiệp, trường học quá đông; số người lao động, học tập, tham quan du lịch tại vùng có dịch trở về tỉnh cũng không phải là ít... Nhưng đến nay, Thái Nguyên chưa ghi nhận có trường hợp nào dương tính với COVID19.
Cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao và ghi nhận sự tiến bộ khá toàn diện của hệ thống y tế và đội ngũ thầy thuốc trong phạm vi toàn tỉnh đã luôn giữ vững về những điều y đức, tâm huyết, trách nhiệm, y thuật cao, tận tụy với công việc, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nhiều thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, tham gia các hoạt động khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, giúp đỡ kinh phí để bệnh nhân nghèo chữa bệnh… Điều này cho thấy sự đồng lòng, đồng sức, cùng sẻ chia, gánh vác trách nhiệm chung của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các y, bác sĩ làm việc trực tiếp tại các cơ sở y tế tập trung.
Tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn, thách thức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của toàn xã hội. Năm 2020 và các năm tiếp theo, nhiệm vụ đặt ra cho phía trước của Ngành là khá nặng nề, nhất là hiện nay, chúng ta đang phải ứng phó với dịch COVID-19 và những vấn đề tiềm ẩn có thể phát sinh, hậu quả khó lường. Mục tiêu chung là tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phát triển y tế chuyên sâu, y tế ngoài công lập; tăng cường thực hiện tự chủ đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập; từng bước thực hiện công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển; chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.
Để tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ nói trên, trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành Y tế phải nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng, đó là: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Vì vậy, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Y tế là nòng cốt và mỗi cán bộ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ; cần phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Ngành, xây dựng và thực hiện chuẩn mực nghề nghiệp. Cần nhất quán trong tư tưởng và hành động: Con người là trung tâm, tất cả vì sự phát triển toàn diện của nhân dân và sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người. Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý của ngành Y tế trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị và y đức của người cán bộ y tế. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có chính sách thu hút bác sĩ và nguồn nhân lực chất lượng cao, không ngừng phát triển khoa học - công nghệ về y tế. Củng cố y tế cơ sở gắn với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Khuyến khích xã hội hóa y tế, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu và dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương, cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, nhất là xây dựng và ứng dụng có hiệu quả hồ sơ sức khỏe cá nhân; hồ sơ, bệnh án điện tử...
Lương y như từ mẫu, đòi hỏi người thầy thuốc không chỉ cần có tài mà phải có tâm, có đức để cứu người. Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2020), chúng ta tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và tri ân với những người đang ngày đêm nỗ lực, không quản khó khăn, hiểm nguy, tất cả vì mục tiêu chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Chúng ta cũng tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, Y tế Thái Nguyên sẽ cùng với Y tế cả nước tiếp tục đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng phát huy thành tựu và truyền thống tốt đẹp, không ngừng nỗ lực phấn đấu để đạt được những kết quả to lớn hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.