Tiếp tục vai trò 'bệ đỡ', GDP khu vực nông nghiệp quý I tăng trưởng 2,52%
Theo báo cáo quý I/2023 mới công bố của Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định trên cả nước, đứng thứ 2 trong đóng góp vào tăng trưởng GDP. Trong đó, cây ăn quả và cá tra là những mặt hàng có sản lượng tăng cao nhất.
Theo báo cáo, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng trưởng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng trưởng GDP chung, khu vực dịch vụ có mức đóng góp cao nhất khi tăng 6,79%, đóng góp 95,91%. Đứng thứ hai là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với tốc độ tăng trưởng 2,52%, đóng góp 8,85%.
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp quý I/2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Tính đến trung tuần tháng 3, cả nước gieo trồng được 2,9 triệu ha lúa Đông xuân, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước. Cùng thời điểm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2022 - 2023. Năng suất lúa mùa toàn vùng đạt 51,4 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha so với vụ mùa trước; sản lượng đạt 914 nghìn tấn, tăng 32,8 nghìn tấn do diện tích gieo cấy tăng.
Tiến độ gieo trồng một số cây rau màu vụ đông xuân như rau đậu, ngô tăng so với cùng kỳ năm trước; khoai lang, lạc, đậu tương giảm chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao.
Trong quý I/2023, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tăng cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước như: Gạo đạt 1,8 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19,3% về sản lượng và tăng 30,2% về giá trị; Điều đạt 122 nghìn tấn tương đương 708 triệu USD, tăng 16,6% và tăng 14,2%; Rau quả đạt 935 triệu USD, tăng 10,6%.
Về tình hình sản xuất lâm nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Ước tính quý I/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 38,7 nghìn ha, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 27,4 triệu cây, tăng 6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.349,2 nghìn m3, tăng 4,2%.
Diện tích rừng bị thiệt hại là 251,6 ha, tăng 14,2% so với cùng kỳ 2022, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 180,2 ha, giảm 14,7%; diện tích rừng bị cháy là 71,4 ha, gấp 7,7 lần.
Về lĩnh vực chăn nuôi, tình hình chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do dịch bệnh được kiểm soát. Chăn nuôi bò trong quý phát triển ổn định.Tuy nhiên, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Theo thống kê của PV, từ cuối tháng 2/2023 tới nay, giá bán thịt lợn hơi xuất chuồng ở hầu hết các địa phương đều giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg, ở nhiều nơi giảm xuống chỉ còn 46.000-47.000 đồng/kg. Thông tin từ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 85% đến 90% giá thành. Tình trạng này đã khiến 45% đến 50% trang trại lớn treo chuồng và khoảng 70% đến 75% hộ chăn nuôi ngừng tái đàn.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan. Cụ thể, sản lượng thủy sản tháng 3/2023 ước đạt 703,8 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 519 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm 63 nghìn tấn, tăng 5,9%; thủy sản khác 121,8 nghìn tấn, tăng 0,6%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 353,5 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 350,3 nghìn tấn, giảm 0,8%.
Trong đó, sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng 3 tiếp tục tăng khá do Trung Quốc đã mở cửa thông quan cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức cao. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 128,6 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2022.
Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng ước đạt 32,3 nghìn tấn, tăng 10,6%; sản lượng tôm sú đạt 16,2 nghìn tấn, tăng 2,5%.
Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 336,9 nghìn tấn, giảm 0,9% do giá xăng dầu vẫn ở mức cao và số lượng tàu thuyền có xu hướng giảm do phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của khai thác thủy sản bền vững.
Tính chung quý I/2023, sản lượng thủy sản ước đạt 1.889,2 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2022.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã gửi công văn tới Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%. Đơn vị này cho rằng hiện giá thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, trong khi xuất khẩu suy giảm, tiêu thụ đầu ra khó khăn. Người nuôi tôm và cá tra đang lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Do đó, việc điều chỉnh thuế suất với khô đậu tương - nguyên liệu chính sản xuất thức ăn nuôi thủy sản - sẽ là động lực để người nuôi tiếp tục gắn bó với nghề.