Tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Trong những năm qua, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì trao đổi, phối hợp với các đối tác nhằm tạo thuận lợi thương mại, công nhận lẫn nhau cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ từ mô hình kinh tế tuần hoàn; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp...

Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế cao, đặc biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hầu hết các hiệp định này đều có những quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Theo đó, các cam kết trong FTA thế hệ mới buộc các doanh nghiệp phải chú trọng đến lĩnh vực môi trường, lao động, phát triển bền vững và quản trị...

Bên cạnh đó, theo dự báo, lượng rác thải ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới và Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Cùng với đó, tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam trong những năm qua đều tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, bao gồm năng lượng than và dầu mỏ. Việc tiêu thụ nhiều nguyên liệu, năng lượng cũng như lãng phí phế thải không chỉ gây cạn kiệt dần tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến môi trường mà còn khiến chi phí sản xuất ở mức cao, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thực trạng nêu trên cùng với bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đòi hỏi Việt Nam phải tích cực hơn nữa trong lộ trình chuyển đổi mô hình kinh tế tuyền tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Bởi, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu hiện nay, không chỉ vì mục tiêu môi trường, mà còn vì mục tiêu kinh tế. Bởi:

Thứ nhất, kinh tế tuần hoàn không đơn giản là xử lý và tái chế chất thải của quá trình sản xuất đang có mà hướng tới việc thiết kế lại toàn bộ hệ thống, quy trình sản xuất sao cho sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên và chất thải tạo ra có thể tái sử dụng.

Thứ hai, kinh tế tuần hoàn là một phương thức để nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm tài nguyên, sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn, đồng thời mở ra những cơ hội mới và sáng tạo trong những ngành, lĩnh vực mới. Theo đó, bản chất của mô hình kinh tế tuần hoàn là trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nói cách khác là mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, chất thải được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác, hướng đến không thải ra môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế.

Thứ ba, bên cạnh việc giải quyết được nhiều nội dung trong 17 mục tiêu của phát triển bền vững, thì việc thực hiện hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giải bài toán thất nghiệp, dư thừa lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhờ vào quỹ việc làm được bổ sung do sự liên kết “cộng sinh” và mở rộng các ngành nghề, lĩnh vực; sự tiếp thu, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại...

Việt Nam đang tiếp tục thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu phù hợp với điều kiện cụ thể. Trong đó, tập trung những mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đảm bảo mọi người ở khắp nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Một trong những mục tiêu quan trọng là làm sao phải quản lý bền vững, sử dụng tiết kiệm, hợp lý trước tình hình tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt để hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng đó chính là chuyển đổi mô hình kinh tế sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thời gian qua, tại nhiều diễn đàn, hội thảo khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, mặc dù có những khía cạnh liên quan trong một số lĩnh vực và đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, tuy nhiên hiện nay kinh tế tuần hoàn vẫn là vấn đề còn mới trong mặt bằng nhận thức chung ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện ở Việt Nam, trước hết là ở trong nông nghiệp hoặc trong nông - công nghiệp kết hợp, nhưng chưa có sự thống nhất về nhận thức, còn thiếu những cơ chế chính sách cần thiết và việc vận dụng kinh nghiệm của các nước một cách linh hoạt, sáng tạo để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn vào điều kiện cụ thể và thể chế đặc thù của Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

Khu Công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng.

Khu Công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng.

Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí về kinh tế tuần hoàn; xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Bộ Công thương chủ trì trao đổi, phối hợp với các đối tác nhằm tạo thuận lợi thương mại, công nhận lẫn nhau cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ từ mô hình kinh tế tuần hoàn; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp... Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là:

Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, yêu cầu, chủ trương và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn tại các lĩnh vực, địa bàn cụ thể thuộc thẩm quyền.

Hai là, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ba là, nghiên cứu, lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng. Tăng cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bốn là, chủ động trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về kinh tế tuần hoàn, các dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường...) thân thiện với kinh tế tuần hoàn.

Năm là, tăng cường đối thoại công - tư về phát triển kinh tế tuần hoàn, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp.

Sáu là, rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu, rà soát thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực ưu tiên/có thể thí điểm triển khai sớm. Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện cơ chế phát triển công nghiệp và dịch vụ môi trường.../.

THẾ HOÀNG

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/tiep-tuc-xay-dung-cac-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-thuc-day-san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-su-dung-nang-luong-tiet-152197