Tiếp tục xử lý nghiêm người nổi tiếng quảng cáo tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái
Sáng 7/7, tại TP Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã tổ chức Hội nghị 'Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới'.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang lan rộng trên thế giới. Trong nước, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, được mua bán công khai, lộ liễu, gần như thách thức các cơ quan chức năng.
Khác với trước đây, hàng giả chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm như thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, thì hiện nay hàng giả xuất hiện trong hầu hết các ngành, đặc biệt là dược phẩm, thực phẩm chức năng, rượu bia, thuốc lá, linh kiện điện tử, vật tư nông nghiệp, phụ tùng ô tô, xe máy... Có thể nói, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả.



Doanh nghiệp dự hội nghị thông tin với các đại biểu về một số sản phẩm bị làm giả.
Hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ diễn ra khá phổ biến trong mọi lĩnh vực, mặt hàng, trở thành một vấn đề nan giải. Đặc biệt, khi thương mại điện tử trở thành trào lưu kinh doanh, phương thức mua sắm mới, tình trạng vi phạm quyền SHTT trên các sàn thuơng mại điện tử ngày càng gia tăng cả tính chất và số lượng cũng mức độ tinh vi, phức tạp.
Để giúp sức cho hàng hóa gian lận lưu thông và tiêu thụ trên thị trường, cũng phải nói đến hành vi gian lận về quảng cáo sản phẩm. Đó là quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm thông qua sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng hoặc giả mạo các chứng nhận của các tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Vì vậy nhiều đại biểu đề nghị phải tiếp tục rà soát và xử lý nghiêm người nổi tiếng quảng cáo tiếp tay cho gian thương tiêu thụ hàng giả, hàng nhái nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là người bệnh, người già, trẻ em...
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 21,45% so với cùng kỳ.
Trong đó, có 10.836 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 79,34% so với cùng kỳ); 36.313 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 34,14% so với cùng kỳ); 3.270 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 8,64% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.454,2 tỷ đồng (tăng 6,39% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.899 vụ (tăng 192,15% so với cùng kỳ), 3.271 đối tượng (tăng 70,99% so với cùng kỳ).
Riêng trong tháng cao điểm từ 15/5-15/6/2025, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 10.437 vụ. Trong đó có 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.631 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.278 tỷ đồng; khởi tố hình sự 204 vụ, 382 đối tượng bị khởi tố.

Các đại biểu dự đại hội đã kiến nghị nhiều giải pháp để ngăn chặn hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả và các hình thức gian lận thương mại khác.
Xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phải nói đến sự quan tâm chỉ đạo của trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng các bộ: Công an, Công thương, Tài chính, Y tế…nhằm mục tiêu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, doanh. Hội nghị lần này cũng đã kiến nghị một số giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền SHTT.
Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại nhằm kiểm soát thị trường, đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ môi trường kinh doanh cũng như lợi ích quốc gia; đặc biệt phải chặn đứng hành vi sản xuất, buôn bán các mặt hàng giả như thuốc, sữa, thực phẩm chức năng để bảo vệ sức khỏe nhân dân...