Tiếp tục xúc tiến thương mại hiệu quả, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh
Công tác xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngày 03/3/2023, tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại (XTTM) khu vực phía Bắc năm 2023 nhằm triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình cấp quốc gia về XTTM năm 2023 của ngành Công Thương được phê duyệt tại Quyết định số 2924/QĐ-BCT ngày 28/12/2022.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội nghị với sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương, Trung tâm XTTM của 28 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc cũng như các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận: Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức đặt ra cho ngành Công Thương, công tác XTTM được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả công tác XTTM của hệ thống cơ quan XTTM khu vực phía Bắc năm 2022, đề ra định hướng và kế hoạch triển khai năm 2023 và các năm tiếp theo cũng như chia sẻ thông tin, phối hợp triển khai hoạt động XTTM tại địa phương; công tác quản lý nhà nước về XTTM thời gian tới.
Đánh giá công tác XTTM trong năm 2022, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM nhận định năm 2022 ghi nhận nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và thế giới với nhiều yếu tố bất lợi, phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan XTTM trên cả nước đã phối hợp với Cục XTTM chủ động sáng tạo trong triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa, duy trì và tăng cường các hoạt động hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Kết quả tích cực về xuất nhập khẩu và sự phát triển ổn định của thị trường trong nước có sự đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến thương mại cùng sự nỗ lực của các cơ quan, tổ chức XTTM trên cả nước.
Định hướng xúc tiến thương mại năm 2023
Trên cơ sở những định hướng lớn của ngành Công Thương về thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu và cân bằng cán cân thương mại bền vững trong hội nhập quốc tế, Cục XTTM đưa ra những định hướng cụ thể cho công tác XTTM năm 2023.
Thứ nhất, trong thời gian tới, cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Thứ hai, khẩn trương triển khai ngay hoạt động XTTM ngay từ đầu năm, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc, gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển và tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài; Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam ở các thị trường ngoài nước
Thứ năm, xúc tiến thương mại đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu
Thứ sáu, tăng cường, khuyến khích các hoạt động XTTM thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Tăng cường phối hợp, liên kết triển khai hoạt động xúc tiến thương mại
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kế hoạch XTTM năm 2023 của các địa phương/ngành hàng; đề xuất những nội dung cần hỗ trợ của Bộ Công Thương, nội dung cần sự phối hợp của các địa phương trong vùng; trao đổi về những sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM cấp vùng, cấp quốc gia để hỗ trợ tốt hơn cho việc mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, xúc tiến thụ sản phẩm của địa phương.
Đại diện Sở Công Thương, Trung tâm XTTM các địa phương có chung một số nhận định về tính liên kết chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả trong mạng lưới các tổ chức XTTM, hiệp hội ngành hàng, dẫn đến nguồn lực cho XTTM bị dàn trải, chồng chéo, thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng, mang lại kết quả cho nhiều đối tượng hưởng lợi trong đó đa phần là sản phẩm và doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương.
Giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chỉ đạo một số nội dung, trong đó nhấn mạnh việc các đơn vị cần tiếp tục tập trung triển khai tốt kế hoạch công tác XTTM trong năm 2023, huy động và sử dụng các nguồn lực dành cho XTTM một cách hiệu quả; chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động của địa phương với các Bộ, ngành, với các địa phương trong vùng và liên vùng vừa tránh chồng chéo, dàn trải. Qua đó vừa phát huy được hiệu quả hỗ trợ XTTM tới nhiều hơn các doanh nghiệp, sản phẩm của vùng, đồng thời dần hình thành và củng cố cơ chế hợp tác, liên kết cùng có lợi trong mạng lưới các tổ chức XTTM nói chung.
Cơ chế liên kết cần thiết phải mở rộng kết nối, trao đổi thường xuyên với hệ thống các thương vụ, văn phòng XTTM Việt Nam ở nước ngoài, các thương vụ, tổ chức hỗ trợ thương mại nước ngoài không chỉ về thông tin mà còn cả các nghiệp vụ, hoạt động XTTM cụ thể.
"Đây chính là những đối tác, cầu nối không thể thiếu, nhất là khi các hoạt động XTTM của chúng ta ngày càng vươn ra thị trường thế giới", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu qua biên giới
Đại diện cho địa phương diễn ra Hội nghị giao ban công tác XTTM khu vực phía Bắc năm 2023, bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã thông tin về tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, vai trò và vị trí cửa ngõ của Lạng Sơn đối với hoạt động thương mại, dịch vụ và ngoại thương của cả nước, đặc biệt với thị trường quan trọng là Trung Quốc. Xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới vẫn là chủ trương nhất quán và lâu dài cùng với việc thúc đẩy mở rộng và đa dạng hóa thị thường vì Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu lớn và việc xuất khẩu trực tiếp qua đường bộ cũng tiết giảm được thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở thực tiễn, bà Đoàn Thu Hà nêu một số đề xuất kiến nghị đối với Chính phủ và Bộ Công Thương.
Một là, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới.
Hai là, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên tổ chức triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm, để chúng ta có những phương án, giải pháp chủ động hơn cũng như những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu trực tiếp sản xuất, đến chế biến, tiểu thụ, xuất khẩu; cân đối được bài toán quy mô sản xuất và năng lực tiêu thụ của thị trường, tăng cao hơn nữa giá trị sản xuất nông nghiệp; cũng như hạn chế đến mức thấp nhất việc dư cầu hàng hóa, tạo áp lực lớn việc tiêu thụ khi vào mùa và có những định hướng phù hợp về quy mô, tạo năng lực phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó gắn với trách nhiệm các địa phương trong thực hiện, trong phối hợp; các Bộ ngành hướng dẫn, hỗ trợ theo lĩnh vực.
Ba là, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm chỉ đạo Thương vụ, Văn phòng XTTM Việt Nam tại Trung Quốc thường xuyên trao đổi, kết nối thông tin về các chính sách, định hướng phát triển thương mại quốc tế; quy định của phía Trung Quốc đối với hàng nông sản xuất nhập khẩu qua biên giới đường bộ đối với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu biên giới và hoạt động hỗ trợ, kết nối giữa doanh nghiệp hai bên trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.