Tiếp vụ 'Biến trạm cân, camera thành vật trang trí': 'Trắng' dữ liệu camera giám sát tại Cục Thuế tỉnh Quảng Nam
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) của Công ty cổ phần Trường Lợi mà Báo Đầu tư phản ánh.
Thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm sai phạm
UBND tỉnh Quảng Nam đã nhận được Báo cáo số 387/BC-UBND ngày 6/9/2023 của UBND huyện Đại Lộc về kết quả kiểm tra, xử lý đối với mỏ khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Ngọc Kinh Đông của Công ty cổ phần Trường Lợi theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc yêu cầu kiểm tra, làm rõ phản ánh của Báo Đầu tư tại bài viết: “Đất sống của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật: Biến trạm cân, camera thành vật trang trí” (số báo ra ngày 28/6/2023).
Về việc này, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND huyện Đại Lộc chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với cơ quan thuế trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển kinh doanh khoáng sản của tất cả các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, trong đó có các đơn vị khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật và giấy phép khai thác khoáng sản được cấp như: khai thác ngoài vị trí, ranh giới mỏ, quá khung thời gian quy định, khai thác vượt công suất giấy phép; không thực hiện duy trì hoạt động của trạm cân, hệ thống camera giám sát, lập sổ sách, hóa đơn, chứng từ mua bán không đầy đủ; kê khai nộp thuế và nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản không đúng sản lượng khai thác, xuất bán… thì xử phạt nghiêm theo quy định. Kết quả kiểm tra, xử lý, báo cáo về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, chỉ đạo.
Ông Nguyễn Hồng Quang cũng yêu cầu Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ và Chi cục thuế khu vực tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kê khai, nộp thuế, phí và các khoản thu liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện Đại Lộc. Kiểm tra dữ liệu camera, trạm cân và sổ sách ghi chép, hóa đơn, chứng từ có liên quan, đối chiếu khối lượng khoáng sản đã khai thác và kê khai, nộp thuế.
“Trường hợp kê khai, nộp thuế không đúng với sản lượng đã khai thác, có dấu hiệu trốn thuế thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; định kỳ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đối chiếu số liệu báo cáo tình hình hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị để kiểm tra, xử lý”, ông Quang chỉ đạo.
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra định kỳ việc chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và thanh tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, trong đó có các đơn vị khai thác cát, sỏi đang hoạt động trên địa bàn huyện Đại Lộc mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định và đăng công khai thông tin kết quả xử lý trên trang thông tin điện tử của tỉnh và cơ quan. Trường hợp tái diễn vi phạm thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi, không giải quyết việc gia hạn giấy phép.
“Trắng” dữ liệu camera giám sát vào các ngày Báo Đầu tư nêu
Từ phản ánh của Báo Đầu tư và kết quả kiểm tra của Tổ công tác huyện Đại Lộc (gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thuế huyện, Công an huyện…), UBND huyện Đại Lộc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty cổ phần Trường Lợi về 2 hành vi: khai thác không đúng khung thời gian khai thác theo quy định tại Quyết định số 907/QĐ-UBND ngày 5/4/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ; qua kiểm tra hồ sơ, sổ sách do Công ty cổ phần Trường Lợi cung cấp (sổ ghi chép hàng ngày, phiếu cân và phiếu xuất kho), không thể hiện số liệu thống kê các xe hoạt động sau 17 giờ chiều vào các ngày 6/6, 12/6, 14/6/2023 (do Báo Đầu tư phản ánh) và ngày 5/7/2023 do Phòng Tài nguyên và Môi trường giám sát tại khu vực mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông.
UBND huyện Đại Lộc xác định, Công ty cổ phần Trường Lợi có dấu hiệu cho xe vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực mỏ vào một số thời điểm không đi qua trạm cân, hoặc có đi qua trạm cân, nhưng không thực hiện quy trình cân khối lượng khoáng sản, không ghi chép, theo dõi, không xuất hóa đơn kiêm phiếu xuất kho, không tổng hợp khối lượng khoáng sản xuất bán nhằm trốn tránh việc kê khai, nộp thuế, phí tài nguyên.
Đặc biệt, UBND huyện Đại Lộc nhận thấy, Công ty cổ phần Trường Lợi có dấu hiệu cố tình kê khai không đúng sản lượng khoáng sản khai thác thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, phí tài nguyên, dẫn đến nguy cơ thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.
Hiện, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Quảng Nam) đang điều tra dấu hiệu tội phạm tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc. Ngày 17/10, thông tin đến Báo Đầu tư, Thượng tá Hà Thế Xuyên, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế cho biết, đã có kết quả điều tra ban đầu về vụ việc, song chưa thể cung cấp cho phóng viên vì vụ việc vẫn đang tiếp tục điều tra.
Những ngày qua, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với Cục Thuế tỉnh Quảng Nam để làm rõ việc cơ quan này có lưu trữ được dữ liệu camera hoạt động vận chuyển khoáng sản ra khỏi mỏ sau 17 giờ tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông hay không.
Đến ngày 17/10/2023, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã phản hồi đến phóng viên Báo Đầu tư rằng, trong cả ngày 12 và 14/6/2023, Cục Thuế tỉnh không nhận được dữ liệu lưu trữ camera giám sát trạm cân mỏ cát, sỏi thôn Ngọc Kinh Đông, chứ không chỉ sau 17 giờ vào các ngày này.
Thực tế cho thấy, việc Công ty cổ phần Trường Lợi tổ chức khai thác không đúng khung thời gian khai thác (sau 17 giờ hàng ngày) theo quy định tại Quyết định số 907/QĐ-UBND ngày 5/4/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ, thì Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cũng không thể lưu trữ dữ liệu. Lý do là, thời gian sau 17 giờ hàng ngày là khung giờ cấm. Vì thế, nếu việc lưu trữ dữ liệu khai thác sau khung giờ này nếu có xảy ra cũng không đúng quy định của pháp luật.
Quảng Ngãi sẽ đình chỉ mỏ khoáng sản không đặt trạm cân, camera
Đây là động thái của UBND tỉnh Quảng Ngãi sau khi Báo Đầu tư đăng loạt bài điều tra: “Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 5: Những lời “thú tội” gây sốc” (trong đó điểm mặt nhiều mỏ khoáng sản ở Quảng Ngãi khai thác dưới “lá bài” Giấy phép khai thác khoáng sản mà không cần lắp đặt trạm cân, camera theo luật định).
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định lắp đặt trạm cân, camera tại khu vực mỏ. Các chủ mỏ tiến hành chọn vị trí để lắp đặt trạm cân phải phù hợp với điều kiện địa hình, điều kiện khai thác của mỏ, đảm bảo kiểm soát được toàn bộ khoáng sản nguyên khai đưa ra khỏi khu vực được phép khai thác; chủng loại, kích thước của cân đặt tại trạm cân phải được lựa chọn phù hợp với quy mô, công suất, hạ tầng kỹ thuật của mỏ; loại hình mỏ, loại khoáng sản khai thác và loại phương tiện vận chuyển khoáng sản.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định. Việc lưu trữ dữ liệu trạm cân, camera phải liên tục, sao lưu dữ liệu hình ảnh trong thời hạn liên tục ít nhất 1 năm, nhằm phục vụ công tác báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản và cung cấp dữ liệu cho việc thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu theo quy định.
Ngoài ra, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận, vận hành hệ thống quản lý dữ liệu camera giám sát, các chủ mỏ có trách nhiệm kết nối đường truyền với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi, UBND cấp huyện nơi có mỏ khoáng sản theo dõi, quản lý.
Sau ngày 30/10, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động và không xem xét gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản đối với những mỏ khoáng sản không hoàn thành việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại khu vực khai thác.
Tại buổi họp báo quý III/2023 vừa tổ chức, ông Nguyễn Đức Trung, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho rằng, việc truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng quản lý vẫn đang bế tắc bởi hạ tầng kết nối.
“Lắp đặt camera rồi, thế nhưng đường truyền dữ liệu đi về đâu, cơ quan nào, Sở Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu và đề xuất UBND tỉnh chủ trương, hiện đang tiến hành các bước để hoàn thành thủ tục. Chúng tôi phải xây dựng được đường truyền dữ liệu từ camera giám sát ở các mỏ, truyền về trung tâm chỉ huy, từ đó các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp xã đến tỉnh mới có thể tiếp nhận thông tin hàng ngày, hàng giờ để giám sát hoạt động của các chủ mỏ khoáng sản”, ông Trung nói.
Việc tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các mỏ khoáng sản lắp đặt trạm cân, camera lẽ ra phải được thực hiện ngay sau khi khoản 2, Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ (tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan) ban hành, chứ không phải bây giờ mới rục rịch áp dụng.
Thế nên, trong suốt những năm qua, khối lượng khoáng sản mà các chủ mỏ vận chuyển ra ngoài bán thu lợi bất chính không một cơ quan nào của tỉnh Quảng Ngãi hình dung được con số.