Tiếp vụ người khiếm thị bị xe buýt ngó lơ ở Đắk Lắk: Có người nói 'nuốt lệ vào tim'
Sau khi báo Tiền Phong phản ánh trường hợp người khiếm thị bị xe buýt ngó lơ, nhiều người khiếm thị khác cho biết bản thân cũng từng bị đối xử như vậy. Có người ám ảnh sau nhiều lần bị bỏ rơi, nhưng đành 'nuốt lệ vào tim'.
Ngày 23/5, ông Lê Hữu Niên, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã khảo sát và nhiều hội viên xác nhận từng bị xe buýt ngó lơ trong những lần đón xe đi bán hàng dưới huyện.
Theo ông Niên, những điểm đón xe buýt hay “bỏ quên” người khiếm thị gồm: Trạm xe buýt gần chợ Pơng Drang (giao thị xã Buôn Hồ với huyện Krông Búk); Trạm xe buýt gần chợ Đoàn Kết (xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột); tuyến Buôn Ma Thuột – M’đrắk.
Ông Niên mong muốn cơ quan chức năng quan tâm, chấn chỉnh, tạo điều kiện cho người khiếm thị đi lại, mưu sinh.
Anh Vương Quốc Huấn (SN 1977, thuê trọ ở phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ, sau nhiều lần bị xe buýt bỏ rơi, đã cố gắng mua 1 chiếc xe máy để nhờ vợ chở đi bán hàng.
Anh Huấn bị khiếm thị từ năm 3 tuổi. Năm 2013, anh bắt đầu mang chổi đót đi khắp các chợ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để mưu sinh. Phương tiện duy nhất để anh di chuyển là xe buýt.
“Cứ 5h-5h30, tôi vác chổi, đi bộ ra trạm xe buýt để đón xe. Ở lượt đi, tôi bắt xe khá thuận lợi vì có nhiều người. Khổ nhất là lượt về, ít người nên hay bị bỏ rơi. Tôi bị mù nên cứ nghe có tiếng xe là giơ tay vẫy liên tục, song có hôm tôi phải chờ đến gần chuyến cuối họ mới dừng, cho tôi lên”, anh Huấn nói.
Lần bị bỏ rơi khiến anh Huấn nhớ mãi xảy ra tại trạm xe buýt thuộc cây số 62, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar.
“Hôm ấy trời nắng to, tôi đợi ở trạm chờ từ lúc 1 giờ nhưng mãi không đón được. Tôi nghe tiếng xi nhan rồi nhưng xe không dừng. Nắng, mệt quá, tôi vào nhà dân nhờ họ ra đón giúp, đến chuyến gần cuối tôi mới được lên xe. Tôi sợ, không dám đi bán ở tuyến đó nữa, đổi sang một số tuyến khác nhưng cũng không ít lần bị bỏ rơi. Nhiều lần, tôi được tài xế tắc xi thương tình cho đi nhờ”, anh Huấn nhớ lại.
Nhiều lần bị bỏ rơi, anh Huấn nói bản thân rất ám ảnh song chỉ biết “nuốt lệ vào tim”. “Vấn đề người khiếm thị bị bỏ rơi khi đón xe buýt đã được phản ánh tại đại hội của Hội người mù. Tôi nhớ lần đó có đại diện các hãng xe buýt, song tình trạng này vẫn tái diễn”, anh Huấn nói thêm.
Cũng nhiều lần bị xe buýt bỏ rơi, anh Hà Văn Khiêm (SN 1979, thuê trọ tại phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) mong muốn các nhà xe tạo điều kiện để mưu sinh.
Anh Khiêm bị khiếm thị từ năm lên 3 tuổi. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, năm 2008, anh Khiêm rời nhà ở huyện biên giới Ea Súp lên TP Buôn Ma Thuột hành nghề bán rong.
Anh Khiêm đi khắp các huyện của tỉnh Đắk Lắk, thậm chí sang tỉnh Đắk Nông, vừa hát vừa bán bông tăm, bút... Nhiều lần đi xe buýt, anh cũng bị bỏ rơi, phải đợi rất lâu mới đón được xe. Theo anh Khiêm, trạm chờ xe buýt tại Đạt Lý (xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột) và trạm chờ Trung Hòa (huyện Cư Kuin) là những điểm anh hay bị bỏ rơi nhất.
"Tôi nhờ người sáng mắt đón giùm. Họ nhiệt tình đón giúp nhưng xe buýt không dừng lại. Tôi rất buồn và sợ nhưng vì 2 đứa con đang đi học đành cố gắng. Tôi mong các nhà xe tạo điều kiện để người khuyết tật có phương tiện đi kiếm cơm”, anh Khiêm nói.
Liên quan đến phản ánh người khuyết tật bị xe buýt “phớt lờ”, ông Lê Công Du – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho hay, đã nắm thông tin vụ việc. Sở đã giao đơn vị chuyên môn xác minh, sẽ thông tin kết quả sau.
Trước đó, Tiền Phong đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh anh Cháng Quốc Việt (người khiếm thị, ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đứng ở trạm chờ, liên tục đưa tay vẫy nhưng vẫn bị xe buýt ngó lơ.
Đây là đoạn clip do chính vợ anh Việt ghi lại. Bởi trước đó, anh Việt đã nhiều lần bị bỏ rơi như vậy. Qua xác minh, chiếc xe buýt phớt lờ anh Việt thuộc Hợp tác xã Quyết Thắng.