Tiếp vụ tu sửa đình Chèm: Yêu cầu khắc phục sai phạm
Quá trình tu sửa cấp thiết đình Chèm phát sinh một số sai phạm. Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm khắc phục và sớm báo cáo gửi thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Một tuần trôi qua kể từ khi đoàn kiểm tra của Sở VHTT Hà Nội làm việc tại di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, chính quyền địa phương vẫn chưa lên tiếng quanh việc tu sửa cấp thiết và sai phạm phát sinh tại đình Chèm. Tuy nhiên, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, Sở đang đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm khắc phục sai phạm, báo cáo Sở VHTT Hà Nội và Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL). Thời hạn báo cáo 14/4/2022.
Sau văn bản yêu cầu Sở VHTT Hà Nội báo cáo về việc tu sửa cấp thiết di tích đình Chèm hôm 25/3, Cục Di sản Văn hóa chưa nhận được hồi âm. Cục tiếp tục gửi văn bản nhắc nhở Sở VHTT Hà Nội gửi báo cáo. Theo quy định, dự án tu sửa cấp thiết phân cấp cho địa phương cấp phép và giám sát, sau khi có kết quả tu sửa địa phương mới báo cáo lên Cục Di sản. Hiện nay, Cục Di sản cũng chưa nắm được hồ sơ dự án tu sửa cấp thiết ở di tích quốc gia đình Chèm.
Sai phạm đầu tiên chính việc chặt cây đa trước cổng đình Chèm. Cây đa này dù không phải cổ thụ, không nằm trong danh mục kiểm kê khi lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt năm 2017, tuy nhiên nó vẫn thuộc khu vực bảo vệ 1 của di tích. Hồ sơ xin tu sửa cấp thiết không có hạng mục xin chặt cây cho nên buộc phải giữ nguyên hiện trạng. Trong cuộc làm việc cuối tuần qua, Ban Khánh tiết đình Chèm nhận trách nhiệm, tuy nhiên chính quyền địa phương cũng không thể rũ bỏ trách nhiệm giám sát.
Như chúng tôi đã phản ánh, việc tu sửa cấp thiết tại đình Chèm sắp hoàn thành sau gần một năm thi công và phát lộ một số sai phạm. Một số hạng mục thi công không nằm trong hồ sơ dự án được cấp phép, có thể kể tới sân bia nằm cạnh tứ trụ (sát đường đi) đang được xây dựng và gia cố bê tông ở phía dưới. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận nêu các nội dung trong dự án: điều chỉnh cao độ phần sân đường, tôn tạo hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật: sân đường, bó vỉa, cấp điện, cấp thoát nước, tường rào; tu bổ chỉnh trang chống xuống cấp: nghi môn nội, đại đình, phương đình, nhà bia tả hữu, tả vu, hữu vu, cổng phụ; chống mối toàn bộ công trình; bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Nguyên tắc bắt buộc trong hạ giải, tu bổ di tích là đánh dấu, phân loại, bảo quản cấu kiện. Thế nhưng toàn bộ cấu kiện đá bóc tách từ phần bậc thềm và tứ trụ được đặt chỏng chơ dưới đất. Cấu kiện vân mây bằng đá bóc tách từ tứ trụ được xếp ngay nghi môn và có mảng bị đứt rời ra. Trong suốt quá trình thi công, các cấu kiện khác của di tích nằm kề ngay phần được tu sửa không được che chắn bảo quản theo đúng yêu cầu.
Trong quá trình tu sửa tường bao xung quanh di tích, nhiều người dân ngạc nhiên khi thấy đơn vị thi công trổ thêm cổng phụ. Trong hồ sơ dự án và theo Quyết định số 6423/QĐ-UBND của quận Bắc Từ Liêm chỉ có nội dung yêu cầu tháo dỡ cổng cũ để trùng tu, phục hồi theo đúng kiến trúc truyền thống.
Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm khắc phục xử lý và báo cáo, thế nhưng Sở cũng không thể chối bỏ trách nhiệm giám sát chuyên môn ở các dự án tu sửa, trùng tu di tích.