Tiếp xúc cử tri: Tình trạng 'đại cử tri', 'cử tri chuyên nghiệp' còn phổ biến
Sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết 525).
Cử tri ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, rà soát Nghị quyết số 525, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, qua 10 năm thực hiện nghị quyết, nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành nghị quyết đã được nâng lên rõ rệt.
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm tham dự các cuộc tiếp xúc, kiến nghị, phản ánh với ĐBQH, ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, ĐBQH nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
Về số liệu, đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau được tổ chức; 42.455 kiến nghị của cử tri được tổng hợp, chuyển tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri.
Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH từ khi thực hiện Nghị quyết số 525 đã có nhiều đổi mới linh hoạt, hiệu quả về hình thức và nội dung; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 525 cũng còn một số bất cập, vướng mắc. Cụ thể như, việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri mới chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, chưa quan tâm đúng mức đến các hoạt động tiếp xúc chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng...
Theo đánh giá của một số địa phương, việc tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc còn đơn điệu, chủ yếu theo chế độ hội nghị. Nội dung tiếp xúc cử tri chủ yếu chỉ là thông tin đến cử tri về nội dung, chương trình kỳ họp. Có đoàn ĐBQH chỉ báo cáo cử tri danh mục tài liệu, các nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp. Cử tri chưa có điều kiện nghiên cứu, góp ý kiến về các nội dung này (trong đó có rất nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết… có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân). Các ý kiến cử tri tại các buổi tiếp xúc với ĐBQH lại tập trung về các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, cơ sở…
Nội dung tiếp xúc cử tri chưa được quan tâm thông báo, định hướng trước buổi tiếp xúc cử tri nên cử tri không tham gia ý kiến về nội dung do đoàn ĐBQH nêu ra, mà chủ yếu là đưa ra các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến cá nhân, hoặc nêu ra yêu cầu của tập thể dân cư về các vấn đề ở địa phương như sửa chữa, xây dựng đường xá, trường học, bệnh viện…
Tham gia tiếp xúc cử tri vẫn chủ yếu là người cao tuổi, cán bộ huyện, xã
Theo báo cáo, tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, các giới, các ngành, các thành phần, lứa tuổi, tham dự vẫn chủ yếu là người cao tuổi; cán bộ hưu trí; cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn, ấp; những người có khiếu nại về chế độ, chính sách. Vì vậy, tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”, “cử tri đại điện”, “đại biểu cử tri” còn phổ biến. Lực lượng thanh niên tham gia tiếp xúc cử tri chưa nhiều nên ý kiến của đối tượng này còn hạn chế.
Thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri chưa linh hoạt, chủ yếu trong giờ hành chính, nên cử tri khó tiếp cận với người đại diện của mình.
Hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng; tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri được các đoàn ĐBQH đánh giá là hình thức tiếp xúc cử tri rất hiệu quả, linh hoạt, giúp cho ĐBQH thâm nhập vào cuộc sống, hiểu rõ hơn những yêu cầu của thực tiễn, nhưng số ĐBQH thực hiện hoạt động này vẫn còn ít. Theo số liệu từ báo cáo của các đoàn ĐBQH, số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực là 1037 cuộc (chiếm 3,83%), tiếp xúc cử tri theo đối tượng là 760 cuộc (chiếm 2.81%), gặp gỡ, tiếp xúc của ĐBQH với cá nhân hoặc nhóm cử tri là 1.195 cuộc (chiếm 4.41%).
Qua giám sát cho thấy, một số bộ, ngành ở trung ương chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị. Mặc dù nhiều bộ trưởng, trưởng ngành hết sức quan tâm, trực tiếp xem xét, giải quyết, trả lời từng kiến nghị cử tri nhưng vẫn còn một số nơi, các kiến nghị cử tri được giao cho cấp phó ký văn bản giải quyết, trả lời, chưa thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu…
Về giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay chất lượng trả lời kiến nghị cử tri chưa cao, một số nội dung chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri. Việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có lúc còn thiếu cụ thể, chưa kịp thời, không rõ trách nhiệm; có trường hợp chưa đúng trọng tâm kiến nghị của cử tri, chưa phù hợp với thực tiễn hoặc chủ yếu liệt kê quy định pháp luật, không đề ra biện pháp nên cử tri tiếp tục kiến nghị nhiều lần. Nhiều kiến nghị của cử tri từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng và công tác dân nguyện nói chung, Trưởng ban Dân nguyện nêu rõ, việc nghiên cứu, rà soát các quy định tại Nghị quyết số 525 nhằm đảm bảo thống nhất và phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã ban hành; phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 525 để hoàn thiện cơ sở pháp lý, kịp thời ghi nhận, thể chế hóa một cách chính thức những thay đổi trong thực tiễn hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, báo cáo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 525 liên quan đến nội dung, hình thức, phạm vi điều chỉnh, trình tự và tiến độ…