Tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Chiều 11/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tiếp xúc với cử tri các Phường 1, 3, 4, 5 của thành phố Vĩnh Long để thông tin dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã nêu ý kiến liên quan đến các vấn đề như: Tiếp tục xử lý nghiêm hành vi tham nhũng để tăng niềm tin của nhân dân; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường các biện pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi để đảm bảo nông dân sản xuất có lãi; đề xuất tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho nghệ sĩ nhiếp ảnh…
Cử tri Phạm Văn Tư, Phường 3, thành phố Vĩnh Long cho biết, giá của các loại vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng giá lúa, nông sản lại xuống thấp nên đời sống một bộ phận nông dân gặp nhiều khó khăn. Cử tri kiến nghị Quốc hội có giải pháp bình ổn giá, ổn định thị trường để người dân an tâm sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi có lợi nhuận.
Cử tri Nguyễn Hữu Hiệu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long cho rằng, thời gian qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ chỉ đạo tích cực, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Cử tri mong muốn tăng cường hơn nữa công tác giám sát xử lý của các cơ quan chức năng đối với các vụ án tham nhũng đã được phát hiện, bảo đảm xử lý nghiêm minh người có hành vi tham nhũng và thông tin cho cử tri cả nước.
Ngoài ra, cử tri cho rằng, chất lượng khám, chữa bệnh ở cấp cơ sở còn hạn chế, thuốc bảo hiểm chưa chất lượng và không đầy đủ, để có thuốc tốt, người bệnh vẫn phải mua thuốc ở ngoài, trong khi điều kiện kinh tế của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn.
Chia sẻ với cử tri về những khó khăn khi giá cả tăng cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, do tác động của dịch COVID-19 nên giá thành của các loại vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi tăng cao. Dịch bệnh cũng làm cho đầu ra nông sản gặp khó, giá bán giảm khiến nông dân rơi vào thua lỗ. Chính phủ đã giao các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ổn định thị trường các mặt hàng này. Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu để việc sản xuất nông nghiệp ngày càng bền vững.
Riêng với tỉnh Vĩnh Long, địa phương đã quyết liệt triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, trong đó có các mục tiêu về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như: quy mô còn nhỏ lẻ, hợp tác xã nông nghiệp chưa phát huy hiệu quả, việc ứng dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế, thị trường đầu ra nông sản còn ít... Tỉnh đang đẩy nhanh triển khai đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, tính cạnh tranh, từ đó nâng cao đời sống người dân.
Công tác phòng, chống tham nhũng rất được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều vụ án đã được xử lý nghiêm, từ đó mang lại niềm tin lớn cho nhân dân. Quan điểm của Đảng và Nhà nước là tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, đồng thời, xây dựng Nhà nước pháp quyền, người dân sống và làm việc theo pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội, đã hỗ trợ tích cực cho người dân nhất là hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trong khám và điều trị bệnh thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân. Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang nghiên cứu nhằm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay về thông tuyến, chất lượng điều trị bệnh, giá dịch vụ, thủ tục khám, chữa bệnh… từ đó tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.
* Trong hai ngày 10 - 11/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tiếp xúc cử tri ở nhiều địa phương trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/5 - 17/6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nhiều dự án luật và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Cử tri ở hai xã Triệu Vân và Triệu Lăng thuộc huyện Triệu Phong; xã Hải Ba thuộc huyện Hải Lăng bày tỏ mong muốn: Quốc hội sớm xây dựng hành lang pháp lý về đất đai phù hợp hơn với tình hình hiện nay, nhằm tránh lãng phí về nguồn lực từ đất đai. Ngoài ra, nhiều cử tri kiến nghị giải quyết vấn đề phát sinh tại địa phương như: đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn bất cập.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tại buổi tiếp xúc cử tri các xã Triệu Vân, Triệu Lăng và Hải Ba, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng đã tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tập trung bàn về vấn đề sửa đổi Luật Đất đai để giải quyết những vướng mắc tồn tại do lịch sử để lại; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân phối hợp giải quyết dứt điểm những bất cập trong cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và những vấn đề tồn tại khác.
Tại buổi tiếp xúc cử tri ở các xã: Vĩnh Tú, Vĩnh Thái thuộc huyện Vĩnh Linh; Gio Hải, Gio Việt thuộc huyện Gio Linh, nhiều cử tri đã kiến nghị tăng cường kiểm tra, giám sát liên quan đến các doanh nghiệp khai thác titan ở xã Vĩnh Thái; đồng thời tu sửa đường giao thông bị hư hỏng do xe chở titan gây ra nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân; xử lý dứt điểm Dự án Cụm công nghiệp Đông Gio Linh ở xã Gio Việt đã 10 năm xây dựng nhưng không hoàn thành, gây lãng phí quỹ đất. Nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội sớm có chính sách bình ổn thị trường nông sản, giá vật tư phân bón, hỗ trợ nông dân để đảm bảo sản xuất.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Hoàng Đức Thắng đã tiếp thu những kiến nghị, phản ánh chính đáng của cử tri ở các xã: Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Gio Hải, Gio Việt; đồng thời cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri để chuyển đến cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời.
* Ngày 11/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tiếp xúc cử tri là lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, ông Dương Văn Phước, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã thông báo các hoạt động của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhiều vấn đề nổi cộm đang được xã hội quan tâm cần sớm giải quyết để tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự và người dân có thêm cơ hội đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Tiền thuê đất để sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp nên để lại cho địa phương bố trí đầu tư công, phí tham quan được thu từ 2 khu Di sản Văn hóa thế giới thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An nên để lại để cân đối chi thường xuyên.
Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế kiến nghị: Hiện nay, ngành Y tế tỉnh Quảng Nam đang thiếu thuốc chữa bệnh. Nhiều văn bản của Bộ Y tế ban hành chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân, chi trả bảo hiểm y tế cho người bệnh, quản lý hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế còn nhiều vướng mắc, chưa được quy định cụ thể và chặt chẽ.
Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh nêu: Hoạt động tinh giản biên chế cần được áp dụng linh hoạt hơn để đáp ứng với nhu cầu thực tế của từng ngành, từng lĩnh vực. Chính sách đối với cán bộ miền núi chưa có nhiều ưu đãi, đặc cách để thu hút công chức.
Ông Nguyễn Tấn Văn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị, quy định của pháp luật về đầu tư công trung hạn chưa được phù hợp với thực tế; vấn đề giải ngân đầu tư công cho phép kéo dài còn dư vốn, chưa đưa ra được hướng giải quyết,…
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam làm rõ hơn những nội dung mà cử tri kiến nghị; giao cho các sở, ban, ngành liên quan phối hợp sớm giải quyết. Đồng thời, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 4 tháng vừa qua đều đạt kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực, công nghiệp, thương mại, du lịch phát triển hơn nhiều so với năm 2021. Về nông nghiệp, nếu không chịu thiệt hại trong đợt mưa gió trái mùa vừa qua thì cũng sẽ đạt kết quả tốt.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quảng Nam đánh giá rất cao các ý kiến của cử tri; đồng thời khẳng định, tất cả các kiến nghị của cử tri sẽ được Đoàn tổng hợp lại và trình Quốc hội xem xét, nghiên cứu trong kỳ họp tới.
Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về thực hiện dân chủ ở cơ sở và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với lãnh đạo các ban, phòng, đơn vị trực thuộc liên quan, đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc một số, huyện, thành phố trong tỉnh,…
Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đã thu nhận được nhiều ý kiến của cử tri phản ánh về những vấn đề nổi cộm đang được xã hội quan tâm, cũng như những ý kiến tích cực, xây dựng, hoàn thiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam cho rằng: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần bổ sung hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định chính quyền các cấp hàng năm phải lấy ý kiến đóng góp về sự hài lòng của người dân về chính quyền.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần bổ sung quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp, cần có quy định xử phạt vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở…