Tiết học biên giới: Bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước

'Tiết học biên giới' là một trong những mô hình thiết thực hướng đến học sinh các bậc học ở khu vực biên giới do Bộ đội biên phòng triển khai thực hiện từ năm 2017. Thông qua 'Tiết học biên giới', những kiến thức cơ bản về biên giới quốc gia được cán bộ biên phòng truyền đạt đến học sinh, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết cũng như vun đắp tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Có dịp được tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lộc Tấn thực hiện mô hình “Tiết học biên giới” tại Trường TH&THCS xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, chúng tôi mới cảm nhận rõ sự hào hứng cũng như ý nghĩa thiết thực của mô hình này với học sinh. Mỗi tiết học 45 phút do cán bộ biên phòng trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Để bài giảng thêm sinh động, học sinh dễ tiếp thu, đơn vị sẽ thực hiện các tiết học về biên giới theo nhiều cách, khi thì tổ chức hoạt động đố vui có thưởng; chiếu các bộ phim, hình ảnh sinh động về đường biên, cột mốc, về nhiệm vụ của lực lượng bộ đội biên phòng và nhân dân khu vực biên giới; truyền đạt kiến thức về những quy định, quy ước, hiệp định biên giới…

Em Nguyễn Thị Tuyết Như, học sinh lớp 6A cho biết: “Qua những tiết học giúp chúng em hiểu thêm kiến thức về biên giới quốc gia mà các thế hệ luôn dày công gìn giữ. Chúng em cảm thấy rất tự hào khi được sống và học tập ở một đất nước bình yên như thế này”.

Cán bộ Đồn biên phòng Lộc Tấn giảng bài trong tiết học biên giới cho các em học sinh lớp 6 Trường TH&THCS xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh

Cán bộ Đồn biên phòng Lộc Tấn giảng bài trong tiết học biên giới cho các em học sinh lớp 6 Trường TH&THCS xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh

“Tiết học biên giới không chỉ nâng cao hiểu biết, củng cố thêm tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh mà còn giúp giáo viên hiểu thêm về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, cũng như những vất vả của lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Từ đó, chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh biên giới” - cô Nguyễn Thị Lệ Thu, giáo viên Trường TH&THCS Lộc Thạnh chia sẻ.

Là đơn vị triển khai “Tiết học biên giới” sớm trong toàn tỉnh, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư vẫn đang duy trì mô hình thường niên theo kế hoạch đã được thống nhất với chính quyền địa phương và nhà trường trên địa bàn đơn vị đóng quân. Trung tá Trần Xuân Cường, Chính trị viên đồn cho hay: Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn rất quan tâm và chỉ đạo các tổ, đội công tác thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mô hình “Tiết học biên giới”. Qua đây sẽ góp phần rất tốt trong tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành nghiêm quy chế biên giới; đồng thời góp phần đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc quốc giới.

Các em học sinh nghe cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giới thiệu về ý nghĩa, lịch sử và cấu tạo của cột mốc

Các em học sinh nghe cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giới thiệu về ý nghĩa, lịch sử và cấu tạo của cột mốc

“Tiết học biên giới” của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư khi chúng tôi có dịp dự, đơn vị tổ chức cho giáo viên và học sinh đến tham quan thực địa. Bằng trực quan sinh động, học sinh được trực tiếp quan sát, chạm tay vào cột mốc, biết được vị trí đường biên giới trên thực địa, cũng như được tham gia một số hoạt động công tác của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Việc linh động trong tổ chức “Tiết học biên giới” tạo cho các em sự phấn khởi, trang bị kiến thức một cách sinh động, dễ dàng tiếp thu bài học. Qua đó hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Các em học sinh lớp 9A, Trường TH&THCS Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh thực hiện nghi thức chào cột mốc chủ quyền

Các em học sinh lớp 9A, Trường TH&THCS Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh thực hiện nghi thức chào cột mốc chủ quyền

Em Nguyễn Hữu Sang, học sinh lớp 9A, Trường TH&THCS Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh tự hào: Em được tham gia khá nhiều “Tiết học biên giới” từ ở trên lớp cho đến thực địa. Mỗi lần tham gia đều để lại trong em nhiều cảm xúc đặc biệt, nhất là khi được thử sức với một số nhiệm vụ của các chú bộ đội. Em cảm thấy rất tự hào và bản thân luôn tự nhủ phải có trách nhiệm trong việc xây dựng, bảo vệ quê hương.

Sau 6 năm, mô hình “Tiết học biên giới” đã được triển khai và nhân rộng trong tất cả đồn biên phòng, với trung bình mỗi đơn vị tổ chức từ 3-4 tiết học/quý luân phiên giữa các lớp học và cấp học. Việc trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về biên cương, lãnh thổ, về chủ quyền đất nước góp phần nâng cao hiểu biết cũng như lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng trong các em những ước mơ để học tập, lao động, cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu.

Hồng Ánh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/138399/tiet-hoc-bien-gioi-boi-dap-tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc