'Tiết kiệm điện-Thành thói quen'

Năm nay là năm thứ 16 Việt Nam tham gia Chiến dịch Giờ Trái đất cùng thế giới với chuỗi hoạt động từ ngày 16 đến 31-3 với thông điệp 'Tiết kiệm điện-Thành thói quen'.

Tuy nhiên, tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường để bảo vệ trái đất không chỉ trong 1 giờ mà đó phải là thói quen, là hành động thường xuyên, liên tục của mọi người ở mọi lúc, mọi nơi.

Tất cả mọi người, mọi loài trên hành tinh này đều sinh ra, lớn lên và dĩ nhiên, đến một ngày nào đó cũng sẽ mất đi. Trái đất cũng không là ngoại lệ. Loài người không sinh ra trái đất nhưng có thể hủy hoại, giết chết trái đất. Loài người cũng có thể cứu sống trái đất, giúp trái đất trường thọ hơn, như đứa con hiếu thảo giúp bà mẹ vĩ đại nhất của mình vượt qua trở ngại, ốm đau, bệnh tật, giúp trái đất ngày một xanh hơn, trở thành “của để dành” tươi tốt, là chốn dung thân yên bình cho ngàn đời sau.

Với ý nghĩa cao cả đó, Chiến dịch Giờ Trái đất từ chỗ là một sự kiện quốc tế mang tính tượng trưng hàng năm do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên phát động đã trở thành hành động của mỗi quốc gia, mỗi con người. Trong đó, Việt Nam luôn là quốc gia thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế, khi trong 15 năm qua đã liên tục tổ chức sự kiện này với sự tham gia.

Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, đe dọa đến trái đất, đòi hỏi những hành động kịp thời, quyết liệt và trách nhiệm của cả cộng đồng. Hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất đã mang lại những hiệu quả bước đầu, làm thay đổi nhận thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường ở nhiều đối tượng, từ cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể…

Ngày càng có nhiều mô hình hoạt động thiết thực như: “Khu phố xanh”, “Trường học xanh”, “Cà phê xanh”, các chiến dịch thu gom rác, trồng cây xanh làm đẹp môi trường. Trong đó, tiết kiệm năng lượng hóa thạch và nhiệt điện than được xem là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng đối với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi hủy diệt môi trường.

Cuộc khủng hoảng năng lượng cuối năm 2020 khiến giá khí đốt và giá điện tại nhiều quốc gia châu Âu tăng mạnh. Ở Việt Nam, có thời điểm, để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và đời sống, nguồn điện khai thác từ nhiệt điện than đã chiếm tới hơn 50% sản lượng điện tiêu thụ của toàn hệ thống.

Vì thế, “Tiết kiệm điện-Thành thói quen”-thông điệp của chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công thương chọn làm chủ đề cho sự kiện Giờ Trái đất 2024, lan tỏa tới cộng đồng mục đích kép: đảm bảo điện và bảo vệ môi trường.

Không dừng lại ở những hoạt động mang tính phong trào nhằm thay đổi nhận thức, những hoạt động hưởng ứng chủ trương tiết kiệm năng lượng được tổ chức khắp nơi, mang lại hiệu quả thiết thực như: Dự án “20 giây cho trái đất”, tắt máy xe ở những điểm dừng đèn đỏ từ 20 giây trở lên; Dự án “Nguồn sáng tương lai” khuyến khích mọi người dùng đèn tiết kiệm điện bằng cách đổi miễn phí bóng đèn sợi đốt; tận dụng ánh sáng tự nhiên trong thiết kế công trình, khuyến khích sử dụng điện mặt trời, điện gió...

Tuy nhiên, về lâu dài, hoạt động này cần sự tham gia có trách nhiệm của các ngành, địa phương, nhất là những ngành sử dụng nhiều tài nguyên, nhiều năng lượng và cũng tác động nhiều đến môi trường như giao thông, điện lực, khai khoáng.

7 tỷ người trên trái đất hãy chung tay ươm trồng, gìn giữ dù chỉ là một cây xanh hay bảo vệ một cánh rừng. Hãy cứu lấy trái đất bằng khả năng sẵn có của mỗi người; không chỉ một giờ tắt điện mà phải bằng nhiều giờ, bằng sự bền bỉ, phải thực hiện “tiết kiệm điện-thành thói quen” để góp phần bảo vệ trái đất ngày một xanh hơn.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tiet-kiem-dien-thanh-thoi-quen-post270083.html