Tiết kiệm điện từ ý thức người dân và doanh nghiệp
Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình thi đua 'Gia đình tiết kiệm điện' với mục tiêu vận động tất cả các hộ gia đình trên địa bàn thành phố thực hành tiết kiệm điện, phấn đấu sản lượng điện tiết kiệm qua chương trình đạt hơn 450 triệu kWh, tập trung vào tư vấn, hướng tới từng nhóm khách hàng cụ thể…
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, chung quanh những vấn đề trên.
PHÓNG VIÊN: Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt điện trong tương lai, chương trình “Gia đình tiết kiệm điện” của TPHCM triển khai những năm qua là rất có ý nghĩa. Điều khiến ông ấn tượng nhất của chương trình là gì?
Ông BÙI TRUNG KIÊN: Theo tôi, điều đáng quý nhất chính là việc tiết kiệm điện không còn là lý thuyết hay hưởng ứng phong trào mà đã thực sự đi vào ý thức và đời sống của mỗi hộ dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM. Chương trình đã thu hút đông đảo người dân đồng thuận tham gia, tạo phong trào thi đua sôi nổi tại địa phương. Qua đó, không những nâng cao ý thức người dân về sử dụng điện tiết kiệm mà còn góp phần tiết kiệm một phần chi phí sinh hoạt đáng kể cho mỗi gia đình có tham gia chương trình. Đối với xã hội, giúp giảm khí thải ô nhiễm ra môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và giảm bớt áp lực đầu tư nguồn điện.
Kết quả của năm 2019, đã có 721.536 hộ gia đình thực hiện tiết kiệm điện so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng điện tiết kiệm là 414,5 triệu kWh, trong đó có 296.230 hộ tiết kiệm từ 10% trở lên. Chương trình đã mang lại hiệu quả hết sức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường; cụ thể, đã tiết kiệm cho xã hội chi phí mua điện là 869 tỷ đồng, góp phần giảm được 337.983 tấn CO2 (quy đổi) phát thải ra môi trường.
Việc tiết kiệm điện đã không còn là phong trào đến hẹn lại lên, trong năm 2019, UBND TPHCM cũng đã ban hành văn bản cụ thể đặt ra mục tiêu tiết kiệm 10% điện năng tiêu thụ hàng năm, điểm đáng lưu ý của chương trình là gì, thưa ông?
Mục tiêu chương trình tiết kiệm điện của UBND TPHCM ban hành là các cơ quan, đơn vị thực hiện tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng sử dụng hàng năm. Để đạt được điều này, các đơn vị phải xây dựng và ban hành quy định về sử dụng điện, thay thế, sửa chữa các trang thiết bị điện tại cơ quan, đơn vị; phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động chủ trương tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.
Các đơn vị phải cử cán bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, đôn đốc và kiểm tra thường xuyên việc sử dụng điện tại cơ quan, đơn vị. Năm qua, Sở Công thương TP chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra việc cắt giảm chi ít nhất 10% cho việc tiêu dùng điện của các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước. Các DN thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cũng phải tiết kiệm ít nhất 1% điện năng tiêu thụ so với năm trước.
Sử dụng điện mặt trời (ĐMT) nối lưới là một trong các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả nhất, việc triển khai trên địa bàn TPHCM đến nay ra sao?
Đến cuối năm 2019, đã có 5.244 khách hàng lắp đặt ĐMT nối lưới với tổng công suất là 60,6MWp; lũy kế từ năm 2018 đã thực hiện 5.548 công trình nối lưới với công suất đạt 65,69MWp. Lượng điện năng (khách hàng sử dụng không hết) phát lên lưới đến nay là 15,56 triệu kWh.
Tiềm năng ĐMT trên địa bàn TPHCM là rất cao. Tuy nhiên nhiều người dân, DN vẫn e ngại lắp đặt, ngành điện sẽ làm gì trước trở ngại này?
Vẫn còn nhiều lý do làm ảnh hưởng đến việc này. Ví dụ như: có rất nhiều chủng loại, chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp khác nhau làm người tiêu dùng còn băn khoăn; giá thành lắp đặt còn cao, trong khi đó một số ngân hàng chưa hỗ trợ về vốn... Đặc biệt, giá bán điện sau ngày 30-6-2019 chưa được ban hành nên người dân còn băn khoăn. Mặt khác, một bộ phận người dân vẫn chưa tiếp cận được thông tin trong việc lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời do công tác truyền thông chưa được sâu rộng nên tâm lý còn e ngại.
EVNHCMC sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân và DN lắp đặt ĐMT áp mái; kiến nghị Chính phủ và cơ quan chức năng sớm ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho người dân sử dụng ĐMT; đưa việc lắp đặt ĐMT áp mái thành một yêu cầu bắt buộc đối với các công trình xây mới cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước (như việc bắt buộc sử dụng gạch không nung). Song song đó, có các chương trình hỗ trợ lắp đặt ĐMT áp mái tương tự như chương trình hỗ trợ cho khách hàng lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời trước đây.
Đối với trở ngại về việc đến nay vẫn chưa có giá mua điện, hiện nay tổng công ty vẫn tiếp tục vận động, thuyết phục các lợi ích, hiệu quả khi lắp đặt và sử dụng ĐMT áp mái với khách hàng. Nhanh chóng nhận và giải quyết các yêu cầu bán điện từ các dự án ĐMT trên mái nhà. Các công ty điện lực tổ chức lắp đặt công tơ 2 chiều, ký biên bản thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ, điện năng giao nhận với các chủ đầu tư; giải thích rõ với các chủ đầu tư là ngành điện sẽ trả tiền điện phát lên lưới từ sau ngày 30-6-2019 ngay khi có đơn giá mới ban hành.
Sau khi lắp đặt hệ thống ĐMT, chủ đầu tư có nhu cầu hòa lưới điện quốc gia, bán phần điện dư cho ngành điện chỉ cần liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCMC qua đầu số 1900.545454 để được hỗ trợ kiểm tra điều kiện hòa lưới, lắp điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán ĐMT.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tiet-kiem-dien-tu-y-thuc-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-645319.html