Tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động. Cùng với sự phát triển nhanh chóng ấy, nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng ngày một gia tăng.
Trước thực trạng này, bên cạnh việc khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cần phải được đẩy mạnh. Tiết kiệm năng lượng không chỉ góp phần hạ chi phí cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn giảm được rất nhiều khí thải nhà kính ra môi trường.
Tiềm năng lớn giảm phát thải khí CO2
Theo Bộ Công thương, sau 2 giai đoạn triển khai thành công, tháng 3-2019, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2019-2030, với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5%-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025 và 8%-10% trong giai đoạn 2019-2030.
Việc sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả, đã và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN và môi trường. Bộ Công thương dẫn chứng bằng kết quả kiểm toán năng lượng tại 10 DN. Các DN này đã tiêu thụ hàng năm khoảng 3,7 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), tương đương 672.768.000 USD. Khi áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng đã tiết kiệm được gần 174 TOE mỗi năm, tương đương với 78.000 USD, giảm phát thải 606.808 tấn CO2/năm.
Theo số liệu khảo sát của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các ngành công nghiệp nước ta là rất cao, khoảng 20%-30%. Đặc biệt, có những ngành tiềm năng tiết kiệm lên đến 40%, như sản xuất xi măng, sắt thép, ngành dệt nhuộm, hóa chất.
Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao hơn nữa việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp, ngoài việc hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, các giải pháp về công nghệ mới cũng cần được áp dụng để nâng cao hiệu suất tiết kiệm năng lượng, đẩy lùi các công nghệ cũ.
Ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, đề xuất Nhà nước cần đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ DN đầu tư giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng. Xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết thêm, với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 là 506 tỷ kWh điện. Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, vào khoảng 8,5% trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 7,5% trong giai đoạn 2026-2030, nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao.
Trong bối cảnh nguồn cung điện chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã xác định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến, cung ứng các dạng năng lượng. Đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Do vậy, các chương trình hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn năng lượng của quốc gia, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giúp thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Trao đổi về lĩnh vực này, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, cho biết sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm áp lực về nguồn cung điện, trong bối cảnh nước ta đã khai thác hết thủy điện quy mô lớn và trung bình. Các nhiên liệu than, dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm; năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn do giá thành còn cao.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, đối với cơ sở sử dụng năng lượng, cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, người lao động trong đơn vị về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức các hội thảo, hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đối với các tổ chức tín dụng, cần đào tạo nâng cao năng lực thẩm định các dự án cho vay trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch về chương trình tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu tiết kiệm 10% điện năng tiêu thụ hàng năm; đồng thời khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời… Đối với tiết kiệm điện trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ, thành phố vận động các hộ sử dụng những loại thiết bị điện có hiệu suất cao và được dán nhãn năng lượng. Khuyến khích thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện như tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện. Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt đèn chiếu sáng và các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng. Về tiết kiệm điện trong sản xuất, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải. Tăng cường sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tiet-kiem-nang-luong-de-bao-ve-moi-truong-73038.html