Đứng đầu danh sách tam đại tham quan thời phong kiến ở Trung Quốc là Hòa Thân. Vị quan dưới thời hoàng đế Càn Long này đã có nhiều thủ đoạn để vơ vét tài sản làm giàu cho bản thân.
Lợi dụng chức quyền và sự trọng dụng, tin tưởng của vua Càn Long, tham quan Hòa Thân đã thực hiện nhiều hành vi như mua quan bán chức, tham ô, nhận hối lộ, bòn rút một phần đồ tiến cống cho hoàng đế...
Nhờ những thủ đoạn trên, Hòa Thân sở hữu gia sản kếch xù, tận hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý hơn người. Tuy nhiên, ngày tháng tươi đẹp của tham quan này kết thúc sau khi vua Càn Long băng hà. Lúc đó, vua Gia Khánh hạ lệnh bắt giam và tịch thu tài sản của Hòa Thân vì phạm nhiều tội lớn.
Qua trình khám xét phủ của Hòa Thân khiến vua Gia Khánh và triều đình ngỡ ngàng khi tham quan này có tổng tài sản là khoảng 1.100 triệu lạng bạc (tương đương 15 năm quốc khố thu vào của nhà Thanh). Cuối cùng, Hòa Thân bị vua Gia Khánh ban cho cái chết toàn thây. Do vậy, đại tham quan nhà Thanh tự sát tại phủ vào năm 1799.
Xếp sau Hòa Thân là hoạn quan Lưu Cẩn (1451-1510) sống vào thời nhà Minh. Thái giám này nổi tiếng lộng quyền và vơ vét nhiều của cải khi thống lĩnh đội ngũ gọi là "Bát hổ" (bao gồm 8 thái giám lộng hành quyền lực nhất triều đình lúc bấy giờ).
Với việc phục vụ Minh Vũ Tông ăn chơi trụy lạc, Lưu Cẩn được ông hoàng này trọng dụng và giao cho nhiều trọng trách quan trọng dẫn đến khuynh đảo triều chính. Thậm chí, Lưu Cẩn còn được dân gian gọi là "Hoàng đế đứng" vì quyền lực chỉ xếp sau Minh Vũ Tông.
Lưu Cẩn nhận hối lộ, tự ý đặt ra nhiều sưu cao, thuế nặng, tìm mọi cách tham ô, nhận hối lộ từ các quan lại. Về sau, tội lỗi của hoạn quan này bị các quan trong triều đồng loạt phơi bày nên bị Minh Vũ Tông xử tử bằng cách lăng trì.
Tổng số tài sản của Lưu Cẩn bị triều đình tịch thu ước tính lên tới 449.750 kg vàng và 9.682.470 kg bạc. Số vàng bạc tìm thấy trong nhà Lưu Cẩn lớn hơn cả ngân khố của nhà Minh khi ấy.
Người đứng thứ 3 trong danh sách đại tham quan dưới thời phong kiến Trung Quốc là Sái Kinh (1047 - 1126) sống vào thời nhà Tống. Sái Kinh giữ chức Thừa tướng hưởng bộc lộc lớn của triều đình nhưng vẫn muốn vơ vét thật nhiều vàng bạc làm đầy túi tiền của bản thân.
Theo sử sách, mỗi lần đến dịp sinh nhật của hoàng đế, Sái Kinh đều bí mật lấy những châu báu, ngọc ngà hiếm lạ cất làm của riêng. Số còn lại ông dâng lên cho nhà vua.
Không những vậy, Sái Kinh nhận hối lộ lớn từ các quan viên muốn thăng quan tiến chức. Theo ước tính, số tài sản mà tham quan này vơ vét được lên tới hàng triệu quan vàng quan bạc, hàng trăm ngàn xấp lụa, ruộng đất có trăm ngàn mẫu.
Cuối cùng, Sái Kinh cũng bị trừng trị khi bị triều đình kết án đi đày ở Lĩnh Nam vì những tội nghiêm trọng gây ra trong những năm làm quan. Trên đường đi đày, tham quan này bị người dân mắng chửi, xua đuổi và không cho thức ăn. Về sau, Sái Kinh chết khi 81 tuổi ở chùa Đông Minh. Đến lúc chết, tham quan này không được chôn trong quan tài tử tế. Thi thể chỉ được gói vào vải xanh cũ thường được dân nghèo dùng rồi chôn cất.
Mời độc giả xem video: Vũ “nhôm” tiếp tục bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ. Nguồn: THDT.
Tâm Anh (TH)