Tiết lộ cách Ukraine 'bài binh bố trận' phá hủy 'radar bay' mạnh nhất của Nga
Chính xác việc Ukraine bắn hạ 'radar bay' A-50 của Nga như thế nào vẫn chưa rõ nhưng nhà phân tích Tom Cooper đặt ra một giả thuyết: Đó là các đội radar và tên lửa của Kiev đã dụ lực lượng của Nga vào cái bẫy được sắp đặt từ trước.
Ukraine đặt bẫy tên lửa phá hủy “radar bay” của Nga?
Tối 14/1, Ukraine thông báo phòng không nước này đã bắn một trong những máy bay cảnh báo sớm radar A-50 rất hiếm và rất có giá trị của lực lượng không quân Nga. Một máy bay chỉ huy Ilyushin Il-22 của Moscow cũng bị hư hại trong cuộc tấn công.
Câu hỏi đặt ra là điều này đã được thực hiện như thế nào? Có vẻ như câu trả lời là Ukraine đã sử dụng tên lửa phòng không Patriot PAC-2 có tầm bắn 145km, hoặc cũng có thể là S-300 hay Patriot PAC-3 tầm ngắn hơn để gây thiệt hại cho phía Nga.
Chính xác việc Ukraine đã bắn hạ chiếc máy bay A-50 bốn động cơ với radar gắn trên nóc như thế nào vẫn chưa rõ nhưng nhà phân tích Tom Cooper đặt ra một giả thuyết. Đó là các đội radar và tên lửa của Ukraine đã dụ các lực lượng của Nga vào bẫy.
Nếu giả thuyết của nhà phân tích Cooper là đúng thì Ukraine đã đặt bẫy này vào 13/1 khi các chiến đấu cơ của không quân Ukraine, có lẽ là các máy bay ném bom Sukhoi Su-24 tấn công các cơ sở của không quân Nga trên Bán đảo Crimea. Theo ghi nhận của ông Cooper: "Một số radar đã bị hỏng".
Các cuộc tấn công hôm 13/1 - vụ mới nhất trong chiến dịch kéo dài của Ukraine nhằm vào các tuyến phòng thủ của Nga ở Crimea đã làm giảm tầm phủ sóng radar trên mặt đất của Nga, khiến các khẩu đội tên lửa trên bán đảo bị “mù” một phần, đặc biệt là ở phía Bắc. nơi địa hình có thể che khuất máy bay, UAV và tên lửa Ukraine đang lao tới.
Theo Forbes, các chỉ huy Nga đã ra lệnh cho một trong số ít máy bay radar A-50U còn lại của họ, vốn thường bay xa về phía Nam qua Biển Azov, để bay xa hơn về phía Bắc nhằm mở rộng phạm vi phủ sóng radar trên hầu hết Crimea. Radar quay của A-50 có thể nhìn thấy các mục tiêu có kích thước bằng máy bay cách mục tiêu hơn 320km.
Máy bay chỉ huy trên không 4 cánh quạt Ilyushin Il-22M cùng với 10 thành viên phi hành đoàn trên đó đã đi cùng với chiếc A-50. Il-22 là một phương tiện chuyển tiếp vô tuyến và phi hành đoàn của nó hỗ trợ phi hành đoàn của A-50.
Hình ảnh vệ tinh và dự liệu radar dường như cho thấy đường bay cực Bắc của A-50 qua Berdyansk do Nga kiểm soát cách tiền tuyến chỉ 120km. Điều đó tức là nó nằm trong tầm bắn của tổ hợp tên lửa đất đối không Patriot duy nhất trong số 3 tổ hợp trong kho vũ khí mà lực lượng không quân Ukraine đã triển khai dọc mặt trận phía Nam.
Cách bố trí này là để Ukraine nhắm vào A-50 và chiếc Il-22 đi cùng với nó mà không cho lực lượng Nga phát hiện quá nhiều dấu hiệu về cuộc tấn công, cũng như không phải hy sinh hệ thống Patriot quý giá của họ.
"Tất cả những gì Ukraine phải làm là bí mật triển khai hệ thống tên lửa đất đối không phù hợp để nhắm vào 2 máy bay từ xa. Có lẽ đây là một trong các hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của họ. Hoặc là một trong các hệ thống PAC-2 hoặc PAC-3", ông Cooper cho hay.
Có một số bằng chứng cho thấy sự kết hợp của S-300 và Patriot. Một máy bay ném bom Su-34 của không quân Nga được cho là đã phát hiện ra hệ thống S-300 của Ukraine bật radar vài phút trước khi A-50 và Il-22 bị bắn trúng. Nhà phân tích Cooper phỏng đoán, có thể Patriot đã cung cấp năng lượng cho radar trong vài giây, đủ lâu để thu được dữ liệu của mục tiêu nhưng quá ngắn để Nga phát hiện và đánh giá đây là mối đe dọa.
"Và sau đó, Ukraine bắt đầu phóng tên lửa", ông Cooper nói. Một phút sau, các tên lửa phát nổ, phá hủy A-50 và gây hư hại cho Il-22.
"Sau khi hoạt động khai hỏa kết thúc, các đội S-300 và PAC-2/3 của Ukraine đã nhanh chóng ngừng phát và bắt đầu đóng gói các hệ thống để di chuyển, vì vậy họ tránh được bất kỳ đòn đáp trả nào của Nga".
Tình thế của Nga
Sau khi bị bắn hạ 1 chiếc A-50, lực lượng không quân Nga có lẽ chỉ còn 2 máy bay loại này và 6 chiếc A-50 khác được cho là cần nâng cấp và đại tu. Trừ khi lực lượng không quân Nga mạo hiểm với 2 chiếc A-50 có thể bay được cuối cùng, nếu không thì Moscow phải chấp nhận việc không có khả năng cung cấp phạm vi phủ sóng radar trên toàn bộ Crimea.
Nói cách khác, Nga phải chấp nhận rủi ro Ukraine tiếp tục, hay đúng hơn là leo thang các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các lực lượng của nước này trên Bán đảo Crimea.
Nếu Nga có bất kỳ lợi thế nào thì đó có lẽ là việc không quân Ukraine chỉ có nguồn cung tên lửa PAC-2 hạn chế. Cho tới khi đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ mới trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine mà Tổng thống Biden đề xuất, nếu không thì Kiev có thể phải bắt đầu phải xoay vòng tên lửa và có ít cơ hội hơn để “đặt bẫy”.
Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington, quân đội Nga cũng đang "thử nghiệm" các kiểu tấn công tên lửa khác nhau nhằm vượt qua hệ thống phòng không Ukraine. Quân đội Nga được cho là đang sử dụng các "mồi nhử" trên không và UAV cảm tử Shahed để làm kiệt sức lực lượng phòng không Ukraine trước khi phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nhằm vào nước này.
ISW cũng ghi nhận Nga sử dụng các loại UAV và tên lửa khác nhau trong những nỗ lực trên và dự đoán, trong những hoàn cảnh nhất định, Nga có thể yêu cầu nguồn cung tên lửa đạn đạo lớn hơn từ nước ngoài bởi chúng có hiệu quả hơn khi nhắm vào các mục tiêu ở Ukraine.
Người phát ngôn Không quân Ukraine Yuriy Ihnat cho rằng các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng tới chất lượng tên lửa của Nga. Việc giảm chất lượng của phương tiện này sẽ làm phức tạp thêm năng lực tiến hành các cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn của Moscow.