Tiết lộ căn cứ quân sự Nga có thể là mục tiêu của tên lửa tầm xa ATACMS

Một bản đồ của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đã cho thấy các căn cứ quân sự của Nga ở Ukraine có thể tên lửa ATACMS sẽ nhắm tới nếu Ukraine nhận được sự cho phép của Mỹ.

Ngày 22/6, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington đã đưa ra một đánh giá chiến lược cho thấy Ukraine có thể nhắm vào khoảng 16% nơi trú ẩn trên mặt đất của quân đội Nga nếu nước này được phép sử dụng các tên lửa ATACMS với tầm bắn nhất định. Kiev lần đầu tiên sử dụng các tên lửa này hồi tháng 10/2023 tấn công các căn cứ quân sự của Nga ở Ukraine và tuyên bố phá hủy nhiều trực thăng. Chúng cũng được các lực lượng của Kiev sử dụng nhắm vào các mục tiêu của Nga trong những vùng lãnh thổ tranh chấp, bao gồm cả ở Crimea.

Vào tháng 4/2024, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Joe Biden đã thông qua việc cung cấp số lượng đáng kể tên lửa ATACMS cho Ukraine vào tháng 2 như một phần của gói hỗ trợ trị giá 300 triệu USD.

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Mỹ cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí Washington cung cấp để tấn công vào các mục tiêu của Nga trong những vùng lãnh thổ nhất định song nước này vẫn hạn chế các cuộc tấn công tầm xa xuyên biên giới của Kiev.

Bản đồ của ISW cho thấy Ukraine có thể tấn công vào các mục tiêu của Nga bao gồm các khu vực Bryansk, Kursk và Belgorod, tức là có thể đe dọa tối đa 16% khu vực an toàn trên mặt đất của quân đội Nga. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Ukraine đã nhận được sự cho phép từ Mỹ hay chưa.

"Phương Tây có khả năng làm gián đoạn đáng kể chiến dịch của Nga trên quy mô lớn bằng cách cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây cung cấp để tấn công phía sau phòng tuyến cũng như các khu vực nằm sâu trong lãnh thổ nước Nga", ISW đánh giá.

Báo cáo của ISW cũng cho biết chính sách của Mỹ đang khiến cho Nga duy trì được ít nhất 84% khu vực an toàn trên mặt đất khi không cho phép Ukraine tấn công một số mục tiêu nhất định bằng tên lửa ATACMS, chẳng hạn như khu vực Voronezh và Rostov.

Cũng theo ISW, các hệ thống phòng không của Nga sẽ làm giảm hiệu quả của các chiến đấu cơ F-16 nếu Mỹ không cho phép Ukraine sử dụng để phá hủy các hệ thống phòng không của Nga trên lãnh thổ Nga bởi điều đó đồng nghĩa với việc các phi công điều khiển F-16 của Ukraine phải hoạt động trong một không phận nguy hiểm.

4 quốc gia gồm Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ đã cam kết cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine để tăng cường nỗ lực đối phó với các chiến đấu cơ tiên tiến của Nga.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Newsweek

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tiet-lo-can-cu-quan-su-nga-co-the-la-muc-tieu-cua-ten-lua-tam-xa-atacms-post1103369.vov