Tiết lộ cuộc gặp trong Phòng Bầu dục trước bạo loạn ở Điện Capitol

Ba ngày trước vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ, một quan chức ít danh tiếng tại Bộ Tư pháp Mỹ từng cố thuyết phục Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm mình làm bộ trưởng.

Jeffrey Clark, người khi đó giữ cương vị trợ lý bộ trưởng Tư pháp Mỹ, đã lên kế hoạch đảo ngược kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump, theo Washington Post.

Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ gửi một bức thư tới lãnh đạo các bang mà ông Joe Biden thắng cử. Trong bức thư này, cơ quan tư pháp liên bang sẽ tuyên bố “nhận diện các mối quan ngại nghiêm trọng” về cuộc bầu cử và đề nghị các bang xem xét gửi danh sách đại cử tri ủng hộ ông Trump để Quốc hội Mỹ chấp thuận.

Ngày 3/1/2021, ông Clark tới Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng để thảo luận về kế hoạch. Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeffrey A. Rosen và quyền Thứ trưởng Richard Donoghue, những người từ chối ký vào bức thư nêu trên, cũng có mặt.

Ông Clark đề nghị Tổng thống Trump bổ nhiệm mình làm bộ trưởng Tư pháp để có thể đích thân ký vào bức thư. “Lịch sử đang kêu gọi”, ông nói với vị tổng thống, theo tường thuật của ông Donoghue. “Đây là cơ hội của chúng ta. Chúng ta có thể hoàn thành điều này”.

Nhân vật trung tâm

Ông Clark, người từng học tại Đại học Harvard và có bằng luật tại Đại học Georgetown, xây dựng sự nghiệp chuyên về luật môi trường tại hãng luật Kirkland & Ellis. Ông cũng từng phục vụ trong Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Năm 2018, ông quay lại Bộ Tư pháp để giữ cương vị trợ lý Bộ trưởng phụ trách cơ quan môi trường và tài nguyên. Tháng 9/2020, ông được giao thêm cương vị quyền trợ lý bộ trưởng phụ trách cơ quan dân sự.

 Ông Jeffrey Clark, nhân vật trung tâm của "âm mưu tiếm quyền" tại Bộ Tư pháp Mỹ tháng 1/2021. Ảnh: CNN.

Ông Jeffrey Clark, nhân vật trung tâm của "âm mưu tiếm quyền" tại Bộ Tư pháp Mỹ tháng 1/2021. Ảnh: CNN.

Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, ông Clark ủng hộ tuyên bố cuộc bầu cử có gian lận của người đứng đầu Nhà Trắng. Ông Trump liền đề nghị Hạ nghị sĩ Scott Perry, đồng minh của mình, giới thiệu ông Clark với mình. Sau đó, hai người đã có cuộc gặp ở Phòng Bầu dục.

Khi biết tin này, ông Rosen tỏ ra giận dữ. “Anh không nói với tôi trước”, ông nói trong một cuộc điện thoại. “Anh không có thẩm quyền. Anh không nói với tôi sau sự việc. Điều này không thể xảy ra”.

Theo vị quyền bộ trưởng, ông Clark tỏ ra hối lỗi và hứa sẽ không làm điều tương tự. Dù vậy, ông đã kịp gây ấn tượng lên Tổng thống Trump.

Tới ngày 28/12/2020, ông Clark gửi một email tới ông Rosen và ông Donoghue, trong đó đính kèm bản thảo bức thư dự định gửi tới lãnh đạo các bang nhằm cố gắng đảo ngược kết quả bầu cử. Bức thư này được ông Kenneth Klukowski, một cố vấn pháp luật trong Bộ Tư pháp Mỹ, gửi cho ông Clark 20 phút trước đó.

Ông Donoghue coi bức thư này “rất kỳ lạ” và “hoàn toàn không phù hợp với vai trò của Bộ Tư pháp và những gì cuộc điều tra đã tiết lộ”. “Không đời nào tôi ký vào lá thư này hay bất cứ thứ gì gần giống với nó”, ông trả lời.

Trong khi đó, ông Rosen triệu tập một cuộc họp với ông Donoghue và ông Clark. Khi cuộc họp kết thúc, hai lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng nỗ lực của ông Clark đã chấm dứt. Dù vậy, đây mới chỉ là màn khởi đầu.

Quyết định của ông Trump

Vài ngày sau, ông Rosen biết rằng ông Clark một lần nữa gặp Tổng thống Trump mà không thông báo trước. Ông Clark thậm chí còn cho biết người đứng đầu Nhà Trắng muốn ông suy nghĩ về việc trở thành bộ trưởng Tư pháp.

 Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeffrey A. Rosen. Ảnh: New York Times.

Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeffrey A. Rosen. Ảnh: New York Times.

“Ông ấy nói rằng sẽ không bao giờ làm lại điều này. Nhưng ông ấy đã làm lần nữa”, ông Rosen hồi tưởng. Bản thân ông muốn sa thải cấp dưới của mình, nhưng không có thẩm quyền vì đây là cương vị được tổng thống bổ nhiệm.

Tới ngày 3/1/2021, ông Clark nói rằng ông đã chấp thuận trở thành bộ trưởng Tư pháp, ông Rosen tường thuật với ủy ban của Thượng viện Mỹ. Không đồng tình, ông Rosen đề nghị gặp Tổng thống Trump.

Một cuộc gặp tại Phòng Bầu dục được sắp xếp giữa ông Trump, ông Clark, ông Rosen và các luật sư của Bộ Tư pháp và Nhà Trắng. Sau đó, ông Donoghue cũng được mời góp mặt.

Khi ông Donoghue bước vào căn phòng, ông Clark đang nói với Tổng thống Trump về triển vọng điều tra và vạch trần “sự gian lận trên diện rộng”. Theo ông Donoghue, những người còn lại trong căn phòng đều nói với ông Trump rằng họ phản đối ông Clark.

Trong khi đó, ông Trump cáo buộc hai lãnh đạo Bộ Tư pháp không theo đuổi các cáo buộc gian lận bầu cử. “Hai ông đã không làm gì. Hai ông không quan tâm. Các ông không có hành động thích hợp. Mọi người bảo tôi nên sa thải các ông”, ông Trump nói.

Về phần mình, ông Donoghue cảnh báo việc bổ nhiệm ông Clark có thể khiến các quan chức và nhân viên Bộ Tư pháp từ chức hàng loạt.

“Giả sử tôi làm vậy. Giả sử tôi thay thế ông Rosen bằng ông Clark, ông sẽ làm gì”, Tổng thống Trump hỏi ông Donoghue.

“Thưa ngài, tôi sẽ từ chức ngay lập tức”, vị quyền thứ trưởng đáp lời. “Tôi không đời nào làm việc dưới quyền người này”.

 Một điểm kiểm phiếu tại bang Georgia trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Ảnh: New York Times.

Một điểm kiểm phiếu tại bang Georgia trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Ảnh: New York Times.

“Steve, ông sẽ không từ chức chứ”, ông Trump quay sang hỏi ông Steve Engel, một trợ lý bộ trưởng Tư pháp khác.

“Chắc chắn tôi có, thưa tổng thống”, ông Engel nói. “Ngài không để cho tôi lựa chọn khác”.

“Và chúng tôi không phải những người duy nhất”, ông Donoghue nói. “Ngài cần hiểu rằng toàn bộ lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ từ chức. Mọi trợ lý bộ trưởng sẽ từ chức”.

“Ngài tổng thống, họ không phải giới chức còn lại của một chính quyền khác. Chính ngài lựa chọn họ. Đây là ban lãnh đạo của ngài”, ông Donoghue tiếp tục thuyết phục ông Trump. “Người ta sẽ nói gì về ngài khi tất cả chúng tôi rời đi cùng một thời điểm?”.

Cuối cùng, ông Trump ra quyết định giữ lại ông Rosen.

“Tôi trân trọng sự sẵn lòng làm việc này của ông”, vị tổng thống nói với ông Clark, theo lời kể của ông Donoghue. “Nhưng thực tế là ông sẽ không làm được gì. Những người này sẽ từ chức. Mọi người sẽ rời đi. Đó sẽ là thảm họa”.

Trong khi đó, sau khi câu chuyện lần đầu được New York Times hé lộ tháng 1/2021, ông Clark phủ nhận cáo buộc âm mưu lật đổ ông Rosen và chỉ trích những người còn lại công khai câu chuyện và bóp méo “cuộc thảo luận thực chất về các lựa chọn, thuận lợi và thách thức” với tổng thống, Washington Post đưa tin.

Zing từ Mỹ: Đêm giới nghiêm ở Washington sau vụ bạo loạn tại quốc hội Người dân thủ đô Washington D.C. nhận được thông báo của chính quyền về lệnh giới nghiêm vào tối 6/1, sau khi bạo loạn xảy ra ở Điện Capitol vào chiều cùng ngày.

Việt Hà

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiet-lo-moi-ve-cuoc-gap-o-phong-bau-duc-truoc-bao-loan-o-dien-capitol-post1326714.html