Tiết lộ kế hoạch kinh doanh 'sát giờ G', APEC kỳ vọng thoát lỗ nhờ dự án Apec Royal Park Huế
Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, APEC đã hai lần công bố tài liệu họp vào các ngày 28/4 và 9/5. Tuy nhiên, cả hai lần công bố đều không đề cập chi tiết đến kế hoạch kinh doanh. Mãi đến sát ngày họp, cổ đông mới được biết rằng doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi gần 80 tỷ đồng trong năm nay, dấu hiệu tích cực cho thấy APEC kỳ vọng trở lại quỹ đạo có lãi sau hai năm thua lỗ liên tiếp.
Kỳ vọng vào dự án Apec Royal Park Huế
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức chiều 20/5, CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (APEC, mã: API) đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu dự kiến đạt 279 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 78,6 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của API tăng trưởng mạnh mẽ so với mức lỗ 22 tỷ đồng trong năm 2024.
Trong BCTC hợp nhất quý I, API tiếp tục lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng, phần nào tích cực hơn so với số lỗ gần 12 tỷ cùng kỳ năm trước. Theo giải trình, APEC cho biết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước, tuy nhiên doanh thu từ hoạt động tài chính giảm và chi phí tài chính tăng dẫn đến lợi nhuận sau thuế là số âm.
Theo ban lãnh đạo, năm 2025, APEC sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển các Dự án Bất động sản tại các quỹ đất của Công ty đang sở hữu và triển khai dự án giáo dục đi vào hoạt động. Điển hình như Apec Royal Park Huế, Apec Mandala Wyndham Phú Yên, dự án Lê Đại Hành - Lạng Sơn,...
Trong đó, dự án Apec Royal Park Huế trong năm 2024 còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý tại dự án. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc tại các dự án tồn đọng, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, tránh lãng phí nguồn lực và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong đó có dự án Apec Royal Park Huế.
“Ban chỉ đạo của Chính phủ đã cử một đoàn công tác đặc biệt về Huế để giải quyết các vấn đề tồn đọng tại một số dự án ở Huế, trong đó có dự án Apec Royal Park Huế. Sau khi pháp lý được thông qua vào khoảng tháng 9/2025, công ty sẽ triển khai thu tiền từ các căn đã bán và tiếp tục bán hàng khu C và D. Doanh thu dự kiến từ khu B, C và D là 720 tỷ đồng, sẽ được thu từ cuối năm 2025 đến nửa đầu năm 2026”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại đại hội.
“Dự kiến trong năm 2025, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt khoảng 78 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc hạch toán dự án Apec Royal Park Huế”, Chủ tịch Nguyễn Đức Quân nói.

1 phần dự án APEC Royal Park Huế. Ảnh: APEC.
Giải trình về hơn 90 tỷ tạm ứng cho nhân viên để thực hiện triển khai, đầu tư phát triển các dự án
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, tình hình tài chính cũng là vấn đề được rất nhiều cổ đông quan tâm. Theo đó, BCTC kiểm toán năm 2024 của API đã bị đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C đưa ra ý kiến ngoại trừ.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2024, các khoản cho vay bên liên quan gồm Công ty TNHH Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương Bắc Ninh (Apec Bắc Ninh), CTCP Thương mại và Du lịch Kim Bôi, CTCP Tập đoàn Apec Group đã quán hạn thanh toán với số dư gốc cho vay và lãi cho vay phải thu lần lượt là 103,2 tỷ đồng và 47,6 tỷ đồng.
Trong đó, khoản vay cho Công ty Apec Bắc Ninh không có tài sản đảm bảo; các khoản cho vay còn lại có tài sản đảm bảo nhưng công ty không có biện pháp kiểm soát đối với các tài sản đảm bảo này. “Chúng tôi không có cơ sở để đánh giá khả năng thu hồi, cũng như không xác định được số dự phòng nợ phải thu khó đòi cần trích lập (nếu có) liên quan đến khoản nợ gốc và nợ lãi cho vay này”, đơn vị kiểm toán nêu.
Bên cạnh đó, số dư tạm ứng cho cán bộ nhân viên để thực hiện triển khai, đầu tư phát triển các dự án tiềm năng là hơn 90 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán không thể đưa ra kết luận về việc liệu các khoản tạm ứng có được sử dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hay không, cũng như không thể đánh giá khả năng thu hồi hoặc dự phòng tổn thất cần trích lập nếu có.
Phản hồi với cổ đông tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Quân cho biết khoản vay không có tài sản đảm bảo tại Apec Bắc Ninh là 7 tỷ đồng, giá trị không lớn. Apec Bắc Ninh trước đây là công ty con của API, theo ông Quân, việc hỗ trợ tài chính giữa các công ty trong cùng một tập đoàn là bình thường, khoản vay này cũng dễ thu hồi do không quá lớn.
“Đối với các khoản vay của các công ty khác thì đều có tài sản đảm bảo lớn. Trong quá trình triển khai dự án, nếu khoản vay gặp khó khăn hoặc không có khả năng thu hồi, công ty sẽ tiến hành thu hồi tài sản đảm bảo, là cổ phần và quỹ đất của các dự án. Các tài sản này đã được kiểm soát và đảm bảo không có thất thoát”, ông Nguyễn Đức Quân chia sẻ với cổ đông.
Đối với hơn 90 tỷ đồng khoản tạm ứng của cán bộ nhân viên, ông Nguyễn Đức Quân cho biết đây là các khoản tạm ứng liên quan đến triển khai dự án, mua bán – sáp nhập (M&A). Để triển khai nhanh, công ty giao cho một số cán bộ nhân viên cầm số tiền này để thực hiện đầu tư như gom quỹ đất, mua cổ phần các công ty sở hữu dự án (bất động sản, tòa nhà, khách sạn, văn phòng...).
Khi kết thúc quá trình đầu tư, công ty sẽ thu hồi tài sản đảm bảo (cổ phần dự án, quỹ đất mua từ người dân), sau đó lập dự án. Nếu quá trình triển khai chưa thuận lợi, chưa sử dụng hết số tiền, HĐQT sẽ yêu cầu hoàn lại trong năm 2025 để sử dụng cho dự án khác.
Chủ tịch HĐQT API cam kết sẽ nỗ lực tối đa để giải quyết vấn đề kiểm toán ngoại trừ, cố gắng xử lý trong năm tài chính 2025.
Kinh doanh thua lỗ, lãnh đạo APEC nhận thù lao hơn 10 triệu/tháng
Năm 2024, APEC ghi nhận doanh thu thuần hơn 209,5 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với mức 193,2 tỷ đồng năm trước. Lỗ sau thuế thu hẹp từ 53,8 tỷ còn 22,2 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2024, APEC dành gần 420 triệu để chi trả thù lao và 2,8 tỷ đồng tiền lương cho các thành viên trong HĐQT.
Tổng thu nhập của ông Nguyễn Đức Quân, Chủ tịch HĐQT (từ ngày 10/5/2024) trong năm 2024 là 82 triệu đồng, tương đương khoảng hơn 11 triệu/tháng.
Ông Nguyễn Văn Ly, Chủ tịch HĐQT đến ngày 10/5/2024 nhận về 474 triệu.
2 thành viên HĐQT là ông Đinh Quốc Đức và bà Nguyễn Đỗ Hoàng Lan (từ ngày 10/5/2024) nhận về 64 triệu và 38 triệu đồng. Riêng ông Hồ Xuân Vinh nhận về tới 1,7 tỷ, là mức thu nhập cao nhất trong dàn lãnh đạo của APEC, gấp 3 lần thu nhập của 2 vị Chủ tịch trong năm 2024.

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.