Tiết lộ 'lạnh người' của một bác sĩ tâm lý về di chứng Covid-19

Tiến sĩ Dorothy Wade, một nhà tâm lý chuyên tư vấn cho các bệnh nhân Covid-19 từng nằm ở phòng chăm sóc tích cực (ICU) ở London (Anh) tiết lộ trên tờ The Guardian về những hậu quả khủng khiếp mà họ đã trải qua.

Bên trong phòng ICU của bệnh viện St George ở London, Anh. (Nguồn: The Guardian)

Bên trong phòng ICU của bệnh viện St George ở London, Anh. (Nguồn: The Guardian)

Những cơn ác mộng

Những bệnh nhân Covid-19 từng phải ở ICU gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần trầm trọng và lâu dài.

Theo tiến sĩ Dorothy, các bệnh nhân rất cần chuyên gia tâm lý học để đồng hành vượt qua những di chứng nặng nề do Covid-19 đem lại.

“Tối qua, những người khuân vác đã đưa tôi xuống tầng hầm bằng chiếc xe đẩy của siêu thị. Tôi gặp những nhà sư trùm kín đầu, những người đánh cắp linh hồn của tôi và biến tôi thành một thây ma. Tôi đã tỉnh dậy trong quan tài của chính mình”.

“Tôi nghe tiếng thì thầm của các y tá trong đêm, sau tấm rèm xanh. Họ đang âm mưu sát hại tôi và con tôi. Tôi thấy một trong số họ rút súng ra từ túi xách”.

"Có một con thú hoang hung hãn chạy qua khu chợ trong bệnh viện, tấn công mọi người cho đến khi cảnh sát bắn nó".

Đó là những trải nghiệm đáng sợ và kỳ lạ mà tiến sĩ Dorothy được các bệnh nhân chia sẻ hằng ngày. Các bệnh nhân Covid-19 thường mắc chứng ảo giác hoặc ảo tưởng do trải qua thời gian dài điều trị ở ICU.

Hội chứng là hậu quả của việc dùng nhiều thuốc, nhiễm trùng, thiếu oxy và các lý do y tế khác.

Với nhiều bệnh nhân, các ảo giác trên lại là thực tế họ phải đối mặt hằng ngày hậu nhiễm Covid-19.

Có tới 80% bệnh nhân ở ICU bị mê sảng, đặc biệt là những người được dùng thuốc an thần để giúp “sống sót” qua thời gian thở máy. Những bệnh nhân này thường được uống một loại thuốc hướng thần (thuốc ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của họ), giúp bình tĩnh, thoải mái và dễ ngủ. Mặt trái của thứ thuốc này là chứng hay quên, lú lẫn và mê sảng.

Tình trạng mê sảng thường biến mất khi bệnh nhân được xuất viện, nhưng ảo giác, cùng với các sang chấn y tế khác, có thể đeo đuổi họ nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Ám ảnh chứng “sương mù não”

Những ký ức đáng sợ trở thành một phần của hội chứng hậu ICU.

Không chỉ ảnh hưởng đến tâm trí, các bệnh nhân còn bị đau nhức khắp cơ thể và hệ hô hấp bị ảnh hưởng.

Nhưng đối với nhiều người, di chứng đáng sợ nhất là hiện tượng “sương mù não” khiến họ mất tập trung, suy giảm trí nhớ, khó khăn trong việc tổ chức cuộc sống cá nhân.

Có đến 50% bệnh nhân hậu ICU mắc chứng lo âu nghiêm trọng, trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng.

Không có gì ngạc nhiên khi các hội chứng hậu ICU ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, các mối quan hệ và sinh kế của bệnh nhân. Đơn giản thì quên những việc thiết yếu hằng ngày, chẳng hạn như quên uống thuốc. Nặng hơn thì mất khả năng lái xe hoặc quản lý tài chính.

Một phần ba số người sống sót sau ICU không thể quay trở lại công việc họ từng làm.

"Không có gì ngạc nhiên khi các hội chứng hậu ICU ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, các mối quan hệ và sinh kế của bệnh nhân... Một phần ba số người sống sót sau ICU không thể quay trở lại công việc họ từng làm".

Tác động tâm lý của bệnh nhân Covid-19 hậu ICU nghiêm trọng không khác với các bệnh nguy kịch khác, nhưng với nhiều người, di chứng nặng nề hơn rất nhiều.

Những ngày tồi tệ nhất cuộc đời

Tại bệnh viện University College ở London (Anh), nơi tiến sĩ Dorothy làm việc, trong đợt bùng phát dịch thứ ba, có hơn 100 bệnh nhân ở phòng ICU cùng một lúc, trong khi đó, con số bệnh nhân trung bình trong thời kỳ chưa Covid-19 là 35 người.

Khoảng 28% những người trải qua ICU bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn. (Nguồn: Skynews)

Khoảng 28% những người trải qua ICU bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn. (Nguồn: Skynews)

Trong thời kỳ Covid-19, điều kiện ở ICU thật khó để miêu tả nó đáng sợ như thế nào.

Không có người thân bên cạnh. Nhân viên y tế luôn trong bộ đồ bảo hộ như người ngoài hành tinh. Họ không có thời gian nói chuyện hay nắm tay an ủi bệnh nhân như thông thường. Cửa sổ phòng đóng kín mít. Tiếng ồn phát ra từ máy móc và chuông báo động nghe rợn người.

Và dường như cơn mê sảng của các bệnh nhân dài và sâu hơn bình thường.

Còn quá sớm để biết tác động tâm lý lâu dài của bệnh nhân Covid-19 hậu điều trị ICU nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy khoảng 28% những người trải qua ICU bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), 31% bị trầm cảm và 42% mắc chứng lo lắng sau khi ra viện.

"Dữ liệu sơ bộ cho thấy khoảng 28% những người trải qua ICU bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), 31% bị trầm cảm và 42% mắc chứng lo lắng sau khi ra viện".

Tất nhiên, hàng nghìn người khác phục hồi hậu Covid-19 tốt. Họ cảm thấy may mắn khi được cứu sống. Nhiều người thấy như được tái sinh và háo hức để bắt đầu cuộc sống mới.

Tiến sĩ Dorothy từng nhận được thư điện tử của một bệnh nhân đã được ông tư vấn, kể về niềm vui khám phá các môn nghệ thuật, niềm hứng khởi khi tự tay trang trí căn hộ của mình và hoặc sở thích “chế biến” trang phục cũ thành đồ mới.

Bệnh nhân của Dorothy kể, cô thường nghe bài hát của Nina Simone để lấy niềm tin vượt qua đại dịch: "Đó là một bình minh mới / Đó là một ngày mới / Đó là một cuộc sống mới đối với tôi / Và tôi cảm thấy hài lòng".

Nhà báo David Aaronovitch, một bệnh nhân cũng từng trải qua ICU, kể rằng 5 ngày trong phòng ICU là nỗi kinh hoàng, là những ngày tồi tệ nhất trong đời anh. Với những trải nghiệm thực tiễn đó, nhà báo David Aaronovitch đã tích cực tham gia trong nhóm của Tiến sĩ Dorothy nhằm hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19 nặng vượt qua những di chứng của bệnh tật, tìm lại niềm vui trong cuộc sống.

Những “chiến binh” phục hồi chức năng

Nếu các bác sĩ, y tá đã cứu sống các bệnh nhân nặng thì vai trò của các nhóm phục hồi chức năng cũng quan trọng không kém.

Mười năm trước, khi tiến sĩ Dorothy bước vào lĩnh vực tư vấn tâm lý cho các bệnh nhân vừa trải qua giai đoạn chăm sóc đặc biệt, số người theo ngành này ở Anh không nhiều.

Hiện ở Anh có khoảng 80 chuyên gia tư vấn tâm lý hậu điều trị ICU. Mạng lưới các chuyên gia phục hồi chức năng hậu ICU bao gồm các nhà vật lý trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giọng nói và nhiều lĩnh vực khác.

Khi các bác sĩ và y tá hoàn thành việc cứu sống bệnh nhân thì các chuyên gia phục hồi giúp các bệnh nhân tiếp tục cuộc sống mà họ muốn sống. Các tài liệu hướng dẫn y tế của Anh khuyến cáo việc phục hồi chức năng nên bắt đầu sớm từ khi bệnh nhân đang điều trị trong phòng ICU, tiếp tục trong suốt thời gian nằm viện.

Các chuyên gia trị liệu cần phải có mặt để giúp các bệnh nhân đang mê sảng, hoảng sợ, gặp ác mộng, giúp bệnh nhân cách thở đúng, giúp họ có ý niệm chính xác về thời gian mà họ có thể bị quên do trải qua hôn mê…

Nhưng Tiến sĩ Dorothy cũng nhận ra rằng, ở một quốc gia phát triển như Anh, vẫn có đến 50% bệnh viện không có các dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân hậu ICU.

Nhiều bệnh nhân đã tự vật lộn để đối phó với các di chứng nặng nề sau khi xuất viện. Có những bệnh nhân rơi vào trầm cảm trầm trọng và cơn ác mộng Covid-19 vẫn có thể ám ảnh họ hết cuộc đời.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiet-lo-lanh-nguoi-cua-mot-bac-si-tam-ly-ve-di-chung-covid-19-139463.html