Tiết lộ mới về 4 phút cuối của thảm kịch Jeju Air
Bản ghi âm mới công bố cho thấy phi công chuyến bay Jeju Air 2216 đã thử 3 phương án hạ cánh trước khi máy bay gặp nạn trong lúc đáp đất.
Cuối tháng 12/2024, chuyến bay 2216 của hãng Jeju Air, khai thác bằng máy bay Boeing 737-800, gặp tai nạn nghiêm trọng khi tiến vào hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Muan, Hàn Quốc.
Vụ tai nạn đã khiến 179 người thiệt mạng, trở thành tai nạn hàng không thảm khóc nhất trên đất liền Hàn Quốc trong nhiều năm.
Những người duy nhất sống sót trong tai nạn là hai tiếp viên ngồi ở cuối máy bay. Trong khi nguyên nhân của tai nạn vẫn đang được điều tra, một bản ghi chép mới được công bố đã gợi mở phần nào bức tranh trong 4 phút cuối trước khi máy bay rơi.
Ba hướng hạ cánh và quyết định phút chót của phi công
Theo bản ghi chép mà New York Times tiết lộ, phi công chuyến bay 2216 đã thực hiện ba quyết định khác nhau về hướng tiếp cận trước khi máy bay gặp nạn.
Lúc 8h58 ngày 29/12/2024 (giờ địa phương), phi hành đoàn phát tin hiệu khẩn cấp "Mayday" sau khi cho biết máy bay va chạm với chim và có ý định quay đầu.
Kiểm soát không lưu hướng dẫn máy bay tăng độ cao lên 1.524 m và giữ nguyên hướng bay, theo thông lệ chuẩn.
"Mayday" là mã từ quốc tế được dùng trong hệ thống thông tin liên lạc qua sóng radio, mang ý nghĩa là tín hiệu báo nguy, xuất phát từ thuật ngữ tiếng Pháp venez m'aider, có nghĩa là "hãy đến giúp tôi".
Tuy nhiên, chỉ vài giây sau, phi công thay đổi quyết định và báo rằng sẽ quay trái để hạ cánh từ hướng nam trên đường băng 1.
Khoảng 10 giây sau, phi công báo lại rằng không thể hạ cánh được và xin phép quay phải, tiếp cận đường băng 1 từ góc độ khác.
Chỉ một phút sau lần xin phép quay phải, trạm điều phối hỏi liệu phi công có muốn tiếp cận đường băng 19 từ hướng bắc hay không. Phi công đã đồng ý.
Chiếc máy bay hạ cánh không bung càng, trượt khỏi đường băng và đâm vào một khối bê tông chứa thiết bị hỗ trợ hạ cánh, dẫn đến vụ nổ lớn.

Hiện trường vụ tai nạn hàng không thảm khốc trên chuyến bay 2216 của hãng Jeju Air, khai thác bằng máy bay Boeing 737-800, hôm 29/12/2024 tại Sân bay Quốc tế Muan, Hàn Quốc. Ảnh: New York Times.
Bản ghi chép không cung cấp thông tin về tình trạng động cơ hay hệ thống điện của máy bay. Câu hỏi tại sao hộp đen ngừng ghi và máy bay không bung càng vẫn chưa có lời giải.
Theo chuyên gia Hyoseok Chang, giáo sư tại Đại học Hanseo, "phi công có thể lo ngại rằng quay lại vào điểm chờ sẽ đưa máy bay vào tình trạng tồi tệ hơn".
Bí ẩn về hộp đen
Khoảng một phút sau khi kiểm soát không lưu cảnh báo về chim bay, hai hộp đen của máy bay đồng loạt ngừng ghi dữ liệu.
Việc mất dữ liệu trong 4 phút cuối gây trở ngại nghiêm trọng cho các nhà điều tra, buộc họ phải dựa vào video nhân chứng và báo cáo sơ bộ.
Kết quả phân tích cho thấy có lông và máu của loài mòng két Baikal trong hai động cơ.

Người thân của những nạn nhân có mặt trên chuyến bay Jeju Air 2216 chờ đợi tin tức ở sân bay. Chỉ hai người trong phi hành đoàn sống sót. Ảnh: New York Times.
Âm thanh "nổ lớn" từ động cơ phải được xác định là dấu hiệu của sự cố ngừng nén, còn khối bê tông mà máy bay va chạm khi tiếp đất được mô tả là một cấu trúc chứa hệ thống hỗ trợ hạ cánh.
Các chuyên gia an toàn hàng không cho rằng vụ va chạm với khối bê tông đã làm gia tăng con số thương vong trên máy bay.
Không gian xung quanh một đường băng, được gọi là khu vực an toàn đường băng, hướng tới việc cung cấp không gian không bị cản trở cho máy bay có thể vượt qua hoặc chuyển đổi sang một đường băng khác trong quá trình hạ cánh.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một cơ quan của Liên Hợp Quốc, đặt ra các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu, khuyến nghị một vùng đệm tiêu chuẩn khoảng 180 đến 300 m ở cuối đường băng.
Trong khi đó, ở Sân bay Muan, khối cấu trúc bê tông mà máy bay của Jeju Air va chạm phải nằm cách phần cuối đường băng khoảng 250 m, New York Times dẫn lời quan chức địa phương cho biết.

Đài tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch Jeju Air 2216 tại Sân bay Quốc tế Muan. Ảnh: New York Times.
Chính quyền Hàn Quốc đang triển khai nhiều cuộc điều tra song song, bao gồm cả các chuyên gia đến từ Mỹ và Pháp, chủ yếu tập trung phân tích nguyên nhân mất dữ liệu và sự cố của hệ thống càng.
Bản ghi chép về những phút cuối của thảm kịch Jeju Air đã được đọc cho gia đình nạn nhân trong buổi gặp mặt do cơ quan điều tra tổ chức. Tuy nhiên, một số nội dung trong bản đọc bị lược bỏ "để bảo vệ quyền riêng tư của người tham gia".
Hiện trường giải cứu máy bay Jeju Air gặp nạn tại Hàn Quốc Hơn 700 lính cứu hỏa, cảnh sát, binh lính, lực lượng bảo vệ bờ biển và nhân viên sân bay được triển khai đến hiện trường vụ tai nạn máy bay Jeju Air ở sân bay Muan, Hàn Quốc ngày 29/12.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tiet-lo-moi-ve-4-phut-cuoi-cua-tham-kich-jeju-air-post1544507.html