Tiết lộ nguyên nhân phái đoàn Ukraine 'tức giận' tại hội nghị thượng đỉnh NATO

Phái đoàn Ukraine đã tìm cách gây ảnh hưởng đến quá trình thảo luận trong NATO, nhưng nó đã có tác dụng ngược. Mỹ đặc biệt khó chịu vì đã không được cảnh báo, buộc phái đoàn Anh và Đức phải can thiệp.

Tổng thống Ukraine Zelensky (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: AP

Tổng thống Ukraine Zelensky (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: AP

Theo tờ Pravda (Ukraine) ngày 13/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nỗ lực gây ảnh hưởng đến quá trình thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 12/7 khi được biết rằng văn bản dự thảo của tuyên bố cuối cùng đã được thay đổi với những từ ngữ ít có lợi hơn cho Kiev trước sự kiên quyết của Mỹ và Đức.

Tờ Bloomberg đã dẫn nguồn tin từ hơn một chục nhà ngoại giao và quan chức tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO cho biết, nội dung tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius đã không được thống nhất vào tối 10/7, nhưng bản dự thảo đưa ra những con đường rõ ràng hơn để Ukraine trở thành thành viên NATO (Bloomberg không chỉ rõ những con đường này là gì).

Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của Mỹ và Đức, từ ngữ đã được thay đổi để khiến văn bản trở nên kém thuận lợi hơn đối với Ukraine và đó là những gì đã được đưa vào bản dự thảo cuối cùng. Khi phái đoàn Ukraine phát hiện ra điều này, họ đã quyết định đăng một dòng tweet "khiêu khích" thay mặt cho Tổng thống Zelensky.

Với hành động này, phái đoàn Ukraine đã tìm cách gây ảnh hưởng đến quá trình thảo luận trong NATO, nhưng nó đã có tác dụng ngược. Mỹ đặc biệt khó chịu vì đã không được cảnh báo về dòng tweet này, buộc phái đoàn Anh và Đức phải can thiệp.

“Khi tình hình có nguy cơ đi chệch hướng, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andrii Yermak đã gọi điện cho Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, nhưng dù sao thì văn bản cũng đã được thông qua trước khi phái đoàn Ukraine đến Litva”, Bloomberg viết.

Theo Bloomberg, khi Tổng thống Zelensky đến hội nghị thượng đỉnh vào tối 11/7, ông đã bị các nhà lãnh đạo NATO chỉ trích công khai. Trong một bữa ăn tối chung, các bên được khuyến khích "hạ nhiệt" và các nhà lãnh đạo NATO đã đánh giá toàn bộ gói quyết định liên quan đến Ukraine.

Đến ngày 12/7, Tổng thống Zelensky đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình về quyết định của NATO đối với Ukraine. Sau đó, nhà lãnh đạo Ukraine giải thích rằng ông vẫn coi cách diễn đạt của tuyên bố là "vô lý", nhưng bày tỏ sự tin tưởng rằng NATO sẽ không đặt ra các yêu cầu chính trị để Ukraine được mời gia nhập NATO.

Quyết định của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius cuối cùng được Kiev coi là chứa đựng những từ ngữ khá tích cực liên quan đến Ukraine. Cụ thể, hội nghị đồng ý loại bỏ yêu cầu về Kế hoạch Hành động Thành viên trên con đường gia nhập NATO của Ukraine. Đồng thời, liên minh này nói rõ rằng họ sẽ mời Ukraine gia nhập NATO "khi các điều kiện được đáp ứng".

Quyết định của hội nghị thượng đỉnh NATO cũng không có danh sách các điều kiện mà Ukraine phải đáp ứng, nhưng đặt ra một cơ chế để đánh giá chúng. Công cụ giám sát các cải cách mà Ukraine đang thực hiện sẽ là Chương trình quốc gia hàng năm (ANP).

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo pravda.com.ua)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tiet-lo-nguyen-nhan-phai-doan-ukraine-tuc-gian-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-nato-20230713110906426.htm