Tiết lộ nhiều công nghệ tối tân trên tàu sân bay bản địa mới của Trung Quốc
Bắc Kinh ngày 17/6 đã hạ thủy một tàu sân bay thế hệ mới. Đây là con tàu đầu tiên được thiết kế và đóng tại Trung Quốc.
Hãng tin AP dẫn lời các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, vào sáng ngày 17/6, tàu sân bay Type 003 đã rời ụ tàu tại một xưởng đóng tàu bên ngoài Thượng Hải và được đưa tới neo tại một bến tàu gần đó.
Tàu sân bay mới của Trung Quốc được đặt theo tên tỉnh Phúc Kiến, nằm ven bờ biển đông nam của nước này, theo truyền thống đặt tên hai tàu sân bay đầu tiên của họ theo tên tỉnh Liêu Ninh và Sơn Đông.
Tân Hoa xã đưa tin tàu sân bay Type 003 mới Phúc Kiến, mang số hiệu 18, có lượng giãn nước đầy tải là 80.000 tấn. Tuy nhiên, trong một báo cáo hồi tháng 3 do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ chuẩn bị, các nhà phân tích cho rằng lượng choán nước của Type 003 là khoảng 100.000 tấn, tương tự như các tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Sau khi con tàu được hạ thủy, sẽ mất từ hai đến sáu tháng để trang bị cho con tàu và thêm nhiều tháng nữa để thử nghiệm các khí tài trên tàu. "Chiếc máy bay đầu tiên được phóng từ tàu sân bay này có lẽ sẽ vào cuối năm 2023 đến năm 2024, và khả năng hoạt động đầy đủ của con tàu có thể là vào gần năm 2025," ông Ridzwan Rahmat, một nhà phân tích từ Singapore của công ty tình báo quốc phòng Janes nói.
Đột phá về công nghệ đóng tàu và sức mạnh hải quân
Ông Ridzwan Rahmat, một nhà phân tích từ Singapore của công ty tình báo quốc phòng Janes cho biết: "Việc hạ thủy con tàu là một cột mốc quan trọng đối với tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc. "Điều này cho thấy các kỹ sư Trung Quốc hiện có thể nội địa hóa đầy đủ các khí tài của lực lượng mặt nước khi cần tác chiến trong chiến tranh hải quân hiện đại, bao gồm tàu hộ tống, tàu khu trục nhỏ, tàu khu trục, tàu tấn công đổ bộ và bây giờ là tàu sân bay. Năng lực đóng được tàu sân bay phức tạp như vậy chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích và giá trị khác nhau cho ngành đóng tàu Trung Quốc."
Được trang bị vũ khí và công nghệ phóng máy bay mới nhất, trang, thiết bị và năng lực tác chiến của tàu Type 003 được cho là sánh ngang với các tàu sân bay phương Tây. Con tàu này cũng là một phần trong chiến lược phát triển hải quân của nước này, vốn đã có quân số lớn nhất thế giới, trở thành một lực lượng sở hữu nhiều tàu sân bay. Trung Quốc cũng đã tiến hành cực kỳ thận trọng việc phát triển tàu sân bay, chỉ tìm cách áp dụng những công nghệ đã được thử nghiệm và hoàn thiện.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là một tàu của Liên Xô được sửa chữa lại và tàu thứ hai dù được đóng ở Trung Quốc nhưng vẫn dựa trên thiết kế của Liên Xô. Cả hai con tàu đều có hạn chế đối với máy bay cất cánh. Theo đó, hai con tàu này chỉ thiết kế một đoạn đường dốc nhỏ ở cuối đường băng để giúp máy bay cất cánh.
Còn Type 003 sử dụng các bệ phóng máy bay điện từ – tương tự như hệ thống tối tân được Hải quân Mỹ phát triển. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã xác nhận điều này. Hệ thống này sử dụng sức đẩy điện từ trường giúp tăng tốc máy bay khi phóng. Với hệ thống điện từ, các máy bay sẽ dễ dàng hoạt động hơn và cũng giúp Type 003 mang theo và phóng nhiều loại máy bay hơn. Đây là năng lực cần thiết để Trung Quốc có thể tác chiến hải quân trên diện rộng hơn, theo chuyên gia Rahmat.
Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã bắt đầu quá trình hiện đại hóa trong hơn một thập kỷ để trở thành lực lượng có khả năng hoạt động trên toàn cầu thay vì bị hạn chế ở gần lục địa Trung Quốc.
Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc
Trong báo cáo trước Quốc hội Mỹ năm ngoái về khả năng quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng nước này cho biết chương trình phát triển tàu sân bay là rất quan trọng đối với hướng đi trở thành một lực lượng toàn cầu của hải quân Trung Quốc, họ nhắm tới việc "dần dần mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Đông Á và xây dựng năng lực bền vững để hoạt động ở phạm vi ngày càng xa hơn".
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thông tin: "Các tàu sân bay hiện có và các tàu sân bay tiếp theo của họ, khi đi vào hoạt động, sẽ mở rộng phạm vi phòng không, vượt xa phạm vi của các hệ thống tên lửa ven biển và trên tàu, đồng thời cho phép các nhóm đặc nhiệm hoạt động ở tầm xa hơn".
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của mình sang Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và xa hơn. Nước này được cho là đã thiết lập căn cứ ở nước ngoài đầu tiên trong thập kỷ qua tại quốc gia vùng Sừng châu Phi Djibouti, nơi Mỹ, Nhật Bản và những nước khác cũng duy trì sự hiện diện quân sự. Gần đây, nước này cũng đã ký một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon mà nhiều người lo ngại có thể tạo cơ sở cho họ hiện diện ở Nam Thái Bình Dương, và Bắc Kinh được cho là cũng đang làm việc với Campuchia để mở rộng một cơ sở có thể giúp họ hiện diện ở Vịnh Thái Lan.
PLAN hiện có khoảng 355 tàu, bao gồm cả tàu ngầm và Mỹ ước tính lực lượng này sẽ tăng lên 420 tàu vào năm 2025 và 460 tàu vào năm 2030. Mặc dù có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, tuy nhiên, PLAN hiện vẫn chưa đạt tới năng lực của Hải quân Mỹ và vẫn bị bỏ xa về số tàu sân bay.
Hải quân Mỹ dẫn đầu thế giới về tàu sân bay, với 11 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Họ cũng có 9 tàu tấn công đổ bộ có thể chở trực thăng và máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng.
Các đồng minh của Mỹ như Anh và Pháp cũng có tàu sân bay của riêng họ, và Nhật Bản có 4 "khu trục hạm chở trực thăng" - về mặt kỹ thuật không phải là tàu sân bay mà chủ yếu chở máy bay.