Tiết lộ thiệt hại với ngành du lịch Israel do xung đột
Ngoài thiệt hại về du lịch, Chính phủ Israel còn phải đối mặt với chi phí khổng lồ để hỗ trợ người dân di tản, làm tăng thêm gánh nặng tài chính quốc gia.
Theo tờ Jerusalem Post ngày 30/9, cuộc xung đột giữa Israel với Hamas và các lực lượng dân quân khác trong khu vực đã gây ra những tác động nặng nề đối với ngành du lịch của Israel, với thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ USD.
Bộ Du lịch Israel báo cáo rằng nước này đã mất ròng 18,7 tỷ NIS (khoảng 5 tỷ USD) từ du lịch quốc tế và 756 triệu NIS từ du lịch nội địa, đặc biệt là khu vực miền Bắc Israel, nơi bị ảnh hưởng mạnh bởi chiến sự.
Dự báo cho năm 2024 cũng không khả quan khi Israel có thể chỉ đón khoảng một triệu khách du lịch, ít hơn một phần tư so với con số 4,5 triệu vào năm 2019, trước đại dịch COVID-19 và cuộc chiến với Hamas.
Đây là một sự sụt giảm nghiêm trọng đối với ngành du lịch, vốn đã bắt đầu phục hồi sau đại dịch nhưng lại bị gián đoạn bởi xung đột.
Báo cáo của Bộ Du lịch Israel nêu rõ, chỉ có khoảng 853.000 du khách quốc tế đến Israel trong năm vừa qua, chủ yếu từ các quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Nga, và Philippines. Trong số này, 62% là người Do Thái, 29% là tín đồ đạo Tin lành hoặc Công giáo.
Điều đáng chú ý là gần một nửa (44%) đến thăm bạn bè và gia đình, trong khi chỉ 28% là khách du lịch thuần túy.
Sự sụt giảm lớn về số lượng khách du lịch không chỉ khiến Israel mất đi nguồn thu quan trọng từ ngành dịch vụ du lịch mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế, từ nhà hàng, khách sạn cho đến các ngành công nghiệp phụ trợ.
Dù Bộ trưởng Du lịch nước này Haim Katz cho biết đã nỗ lực bảo tồn cơ sở hạ tầng du lịch để chuẩn bị cho tương lai, nhưng thực tế cho thấy rằng cuộc chiến với Hamas đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ngành công nghiệp này.
Ngoài thiệt hại về du lịch, Israel còn đối mặt với một gánh nặng lớn trong việc hỗ trợ các cư dân bị buộc phải di tản do chiến sự. Hiện tại, hơn 68.000 người, chủ yếu ở miền Bắc Israel, vẫn chưa thể trở về nhà của họ.
Chi phí để duy trì việc sơ tán này đã tiêu tốn 5,466 tỷ NIS, chủ yếu dùng để chi trả cho các khách sạn và trợ cấp sinh hoạt cho những người không sống trong khu vực sơ tán. Chính phủ Israel đã chi thêm 3,182 tỷ NIS để hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình di tản.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, Bộ trưởng Du lịch Haim Katz khẳng định rằng Israel vẫn nỗ lực khuyến khích du lịch ngay cả trong thời điểm đầy khó khăn này. Bộ trên cũng đang cố gắng duy trì cơ sở hạ tầng du lịch để sẵn sàng đón khách trở lại khi tình hình ổn định hơn.
Tuy nhiên, sự phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch Israel sẽ phụ thuộc vào việc chấm dứt xung đột và đảm bảo an ninh trong nước.