Tiết lộ thói quen mua sắm của người Việt trong ngày Thứ Sáu Đen
Ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) – ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 11 hàng năm là ngày giảm giá nhiều sản phẩm để kích cầu mua sắm. Black Friday vốn xuất phát từ nước Mỹ, nhưng nay đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Công ty Picodi mới đây đã tiến hành khảo sát thói quen mua sắm của người Việt trong ngày Black Friday.
Thói quen mua sắm của phụ nữ và giới mày râu
Có đến 84% phụ nữ được khảo sát trả lời rằng họ sẽ mua sắm vào ngày Black Friday. Con số này với giới mày râu Việt là 74%. Khảo sát của Picodi cho thấy phụ nữ dự tính mua nhiều sản phẩm hơn nam giới, với con số tương ứng là 3,9 sản phẩm so với 2,6 sản phẩm. Tính ra, phụ nữ Việt chi trung bình khoảng 4 triệu đồng, còn nam giới chi 3,5 triệu đồng để mua sắm trong ngày Black Friday.
Một trong những sản phẩm phổ biến mà nam giới chọn lựa là thiết bị công nghệ, bao gồm điện thoại, máy tính bảng, laptop, sạc dự phòng, tai nghe, tivi. Mặt hàng mà cả hai giới đều lựa chọn mua sắm là quần áo và giầy dép.
(nguồn: Picodi)
Trong ngày Black Friday, các đơn vị thương mại thường tung ra các hình thức khuyến mãi như phiếu giảm giá, mã khuyến mãi, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm. Khảo sát của Picodi cho thấy phụ nữ thích được sử dụng phiếu giảm giá hoặc mã khuyến mại, còn nam giới thích nhận được mức giảm giá cao hơn cho sản phẩm mình lựa chọn.
Xu hướng mua online và offline
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người Việt thực hiện mua sắm trực tuyến qua các trang thương mại điện tử. Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 so với năm 2017 là trên 30%. Quy mô thị trường TMĐT là 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, giải trí và tiếp thị trực tuyến.
Đối với ngày Black Friday, trong khảo sát của Picodi, 68% số người được hỏi nói rằng họ sẽ mua sắm cả trực tuyến cả ngoại tuyến. 16% số người nói rằng họ chỉ thích mua sắm tại các cửa hàng truyền thống.
Có một số lượng khá đông đảo những người muốn mua sắm trực tuyến do ngại cảnh phải xếp hàng thanh toán tại các siêu thị và trung tâm thương mại. Tất nhiên ở Việt Nam ít phải chứng kiến cảnh chen nhau mua hàng Black Friday, chứ ở Mỹ người ta quá quen với cảnh các trung tâm thương mại chật cứng người mua hàng. Trong số những người Việt Nam được khảo sát, có 25% phụ nữ và 11% nam giới nói rằng họ muốn từ bỏ việc mua sản phẩm hơn là phải đứng chờ đợi quá lâu.
(nguồn: Picodi)
Cũng theo thống kê của Picodi, những người mua sắm trực tuyến có thể mua vào bất cứ giờ giấc nào mà họ rảnh, nhưng thường phổ biến là vào lúc 10-11 giờ sáng. 64% người Việt thừa nhận họ mua hàng vào thời gian làm việc ở cơ quan.
Tất nhiên, mua sắm trực tuyến cũng có những hạn chế khi người mua không thể trực tiếp cầm nắm, xem xét hàng hóa trước khi mua. Thời gian giao nhận cũng thường kéo dài vài ngày. Đã có những hiện tượng "treo đầu dê, bán thịt chó" hoặc tăng giá niêm yếu rồi hạ giá ảo (giá bán dịp Black Friday không rẻ hơn so với ngày thường) để lừa người tiêu dùng.
Khảo sát của Picodi năm 2018 cho thấy những thành phố đứng đầu về doanh số trong dịp Black Friday là Hà Nội, Hạ Long, Vinh, Nha Trang và Thái Bình. Đáng ngạc nhiên là TP.HCM lại không nằm trong top 5 nói trên.
(nguồn: Picodi)