Tiết lộ về 'sếp phó' nổi danh vừa bị bắt; giá vàng diễn biến lạ
Thông tin về 'sếp phó' nổi danh ở Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa bị bắt; Thưởng Tết năm nay cao nhất gần 5,7 tỷ đồng/người; Thế giới Di động 'xóa sổ' gần 150 cửa hàng chỉ trong 2 tháng... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Sục sôi với giá vàng
Sáng 30/12, giá vàng trong nước chững lại quanh mốc 76 triệu đồng/lượng. Chỉ trong 3 phiên giao dịch, giá vàng bán ra giảm 4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng mua vào lao dốc mạnh. Ngày 28/12, doanh nghiệp mua vào vàng SJC ở mức 77,8 triệu đồng/lượng nhưng giảm về mức 70 triệu đồng/lượng vào sáng 30/11. Chỉ trong 3 ngày, giá mua vào giảm tới gần 8 triệu đồng/lượng.
Đặc biệt, chênh lệch giá mua vào - bán ra bị kéo lên mức kỷ lục trong lịch sử, tới 6 triệu đồng/lượng. Điều này khiến người mua vàng lỗ nặng ngay khi nắm giữ. Doanh nghiệp đẩy rủi ro cho khách hàng.
Trước đó, Giá vàng SJC cuối tuần trước chỉ 77 triệu đồng/lượng, thế nhưng chỉ đầu tuần cuối cùng của tháng 12 năm 2023, giá vàng SJC đã “làm nên lịch sử” khi vọt tăng lên trên các mốc 78 triệu đồng/lượng. Sang đến sáng 26/12, giá vàng lập tức vọt lên 79 rồi 80 triệu đồng/lượng.
Thông tin về 'sếp phó' nổi danh ở Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa bị bắt
Ngày 28/12, cơ quan Công an cho biết, ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - bị khởi tố, tạm giam về tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty xăng dầu Xuyên Việt Oil.
Điều đáng nói, trước khi bị bắt do liên quan đến vụ án tại Xuyên Việt Oil, tháng 8/2022, ông Khôi đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định kỷ luật cảnh cáo do liên quan đến vụ án kit xét nghiệm COVID-19.
Ngày 27/12, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.
Ông Tuấn bị bắt trong quá trình Cơ quan an ninh điều tra thụ lý, điều tra vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Trong lĩnh vực xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn cũng là cái tên được nhắc đến nhiều thời gian gần đây do giữ vị trí Tổ phó thường trực Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu.
Thưởng Tết năm nay cao nhất gần 5,7 tỷ đồng/người
Số liệu tổng hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, cả nước có hơn 47.000 doanh nghiệp đang sử dụng gần 5 triệu lao động có báo cáo về lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết năm 2024 (chiếm hơn 17% số lao động khu vực chính thức).
Với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, bình quân doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động gần 7 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết trước.
Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất gần 5,7 tỷ đồng/người, thuộc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Long An. Đa số các địa phương, mức thưởng Tết tới cao nhất giao động trong khoảng 200-400 triệu đồng/người.
Với dịp Tết Dương lịch 2024, các doanh nghiệp thường bình quân gần 2 triệu đồng/người, tăng gần 1 nửa so với dịp Tết trước. Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 376 triệu đồng/người, thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Vĩnh Phúc
‘Tuýt còi’ Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước vì có nội dung trái luật
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có kết luận kiểm tra Thông tư 06 ngày 28/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Trong văn bản kết luận, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nêu rõ: Tại điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) "phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm".
Tuy nhiên, pháp luật về biện pháp bảo đảm (theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP) chỉ quy định việc gửi tiền vào tài khoản phong tỏa tại một TCTD để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp ký quỹ, không có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay như quy định nêu trên của Thông tư 06.
Thế giới Di động 'xóa sổ' gần 150 cửa hàng chỉ trong 2 tháng
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) vừa cập nhật kết quả kinh doanh tháng 11 năm nay với doanh thu đạt 107.954 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, MWG đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu cả năm.
Riêng trong tháng 11, doanh thu của MWG đạt hơn 9.900 tỷ đồng, giảm 11% so với tháng 10. Trong đó, doanh thu cả 3 chuỗi cửa hàng chính là Thế giới Di động, Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh đều sụt giảm so với tháng trước.
Chỉ trong tháng 10 và tháng 11, MWG đã đóng gần 150 cửa hàng thuộc chuỗi Thế giới Di động, Điện máy Xanh, Topzone và sẽ tiếp tục đóng một số cửa hàng kém hiệu quả trong tháng 12 để ổn định hoạt động, chuẩn bị cho mùa bán hàng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán 2024. Trong khi đó, các chuỗi Bách Hóa Xanh, An Khang và Avakids đã hoàn tất việc rà soát, đóng cửa hàng trong tháng 11 và sẽ duy trì ổn định kể từ tháng 12. Các chi phí liên quan tới đóng cửa hàng trong quý IV sẽ được phản ánh đầy đủ trong kết quả của năm 2023 và không ảnh hưởng tới năm sau.
Tại thời điểm cuối tháng 11, MWG có 1.100 cửa hàng Thế giới Di động, 2.210 cửa hàng Điện máy Xanh, 1.697 cửa hàng Bách hóa Xanh và 527 nhà thuốc An Khang.