Tiểu ban hợp tác Việt Nam–EU về Quản trị tốt, Pháp quyền và Quyền con người họp Phiên thứ tư tại Brussels, Bỉ
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Hữu Huyên và Vụ trưởng Nam và Đông Nam Á, Tổng cục Đối tác Quốc tế, Ủy ban Châu Âu Mario Ronconi đồng chủ trì Phiên họp.
Trong hai ngày 16 và 17 tháng 10 năm 2024, Phiên họp lần thứ tư Tiểu ban Quản trị tốt, Pháp quyền và Quyền con người (Tiểu ban 4) trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – EU, thiết chế được thành lập theo Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên minh châu Âu (PCA), đã diễn ra tại trụ sở Ủy ban Châu Âu ở Brussels, Bỉ.
Phiên họp do Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp Nguyễn Hữu Huyên và Vụ trưởng Nam và Đông Nam Á, Tổng cục Đối tác Quốc tế, Ủy ban Châu Âu Mario Ronconi đồng chủ trì. Tham gia Phiên họp về phía Việt Nam gồm có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ.
Về phía EU gồm có đại diện Ủy ban Châu Âu và đại diện một số Đại sứ quán thành viên của EU tham gia với tư cách là quan sát viên. Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng tham dự Phiên họp theo hình thức trực tuyến.
Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp - Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh trong thời gian qua Việt Nam và EU đã có nhiều nỗ lực phối hợp để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, đáp ứng lợi ích của cả 2 Bên.
Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với EU và sự hợp tác về những vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, thực hiện thành công Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam… là những minh chứng tốt cho những nỗ lực hợp tác này.
Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã khẳng định Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra nhiều mục tiêu trong đó có “hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng cộng sản lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
Ngày 12/5/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW với nhiều nhiệm vụ cụ thể được giao cho các Bộ, ngành tổ chức thực hiện trong thời gian tới.Trưởng đoàn Việt Nam cũng đề nghị hai Bên trao đổi trên tinh thần thiện chí, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không thảo luận tại Tiểu ban 4 vấn đề trùng lặp với cơ chế Đối thoại nhân quyền Việt Nam – EU.
Tại Phiên họp, hai Bên đã cùng nhau thảo luận những vấn đề thuộc chương trình nghị sự như: hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới; di cư, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực phòng chống buôn bán người; hợp tác phòng chống thảm họa; hợp tác thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền theo cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) và khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền theo cơ chế được quy định tại Công ước các quyền dân sự, chính trị (ICCPR). Hai Bên cũng thảo luận về những kết quả đạt được của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước chống tra tấn và hình thức trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác (CAT); cập nhật thông tin về kết quả hoàn thiện hệ thống hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp của Việt Nam thời gian qua cũng như kết quả triển khai các chương trình, dự án hợp tác pháp luật và tư pháp với EU; thảo luận đề xuất một số hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp hai Bên trong thời gian tới.Hai Bên cũng thông tin về việc phối hợp xây dụng Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam giai đoạn 2 (EU JULE 2). Đến thời điểm này, hai Bên đang tích cực phối hợp đàm phán để sớm thống nhất về dự thảo Hiệp định tài chính của Dự án mới.
Hai Bên thống nhất Phiên họp lần thứ 5 của Tiểu ban sẽ diễn ra tại Hà Nội vào năm 2025.
Chiều ngày 17/10/2024, Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam cũng đã làm việc với Tổng vụ Đối ngoại (INDPA) của Ủy ban Châu Âu. Tại buổi làm việc, hai Bên đã thảo luận về các biện pháp để tăng cường quan hệ pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trong thời gian tới nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác sâu rộng, hiệu quả và thiết thực giữa Liên minh Châu Âu với Việt Nam.