Tiểu Cần: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Tiểu Cần đã chuyển đổi 32,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thúc đẩy lộ trình XDNTM, nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện có 32,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây trồng khác (03ha bắp; 20,5ha rau màu các loại; 6,9ha trồng dừa, 2,1ha trồng cỏ), nâng tổng số đến nay toàn huyện chuyển đổi hơn 1.998ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác (314,78ha bắp, 1.209ha rau màu, 291,25ha dừa, 150,44ha cỏ, 33,15ha cây ăn trái). Duy trì và củng cố mô hình cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị trên cây lúa, với 08 điểm thực hiện, diện tích 1.883ha với 1.944 hộ tham gia; tiếp tục duy trì mô hình trồng dưa nhà lưới, với diện tích 0,45ha; duy trì mô hình dừa hữu cơ ở các xã: Tân Hòa, Tập Ngãi, Tân Hùng, Ngãi Hùng với diện tích 684,15ha, 727 lượt hộ dân tham gia; duy trì mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap diện tích 27,6ha, có 49 hộ tham gia.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong những phong trào thi đua được các cấp Hội nông dân trên địa bàn huyện triển khai thực hiện sâu rộng. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức 309 cuộc tuyên truyền phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, có 12.996 lượt người tham dự, đạt 108,40% so chỉ tiêu kế hoạch. Qua đó, có 9.677 hộ đăng ký nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó, 07 hộ nông dân đăng ký đạt cấp Trung ương, 273 hộ đạt cấp tỉnh, 1.326 hộ đạt cấp huyện và 8.071 hộ đạt cấp cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Văn Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tập Ngãi cho biết: các hội viên, nông dân tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa các giống mới, đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Một số hộ còn mạnh dạn đưa vào sản xuất thử nghiệm các mô hình sản xuất mới, có giá trị hiệu quả kinh tế cao như: trồng dưa hấu, bí đỏ... Với việc triển khai thực hiện sâu rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng trong hội viên, nông dân có nhiều cơ hội, điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Nông dân Trần Thanh Thư, ấp Ngãi Hòa chia sẻ: gia đình tôi có 01ha đất ruộng trồng lúa nhưng thu nhập không cao, vụ đông - xuân năng suất lúa chỉ đạt 04 - 05 tấn/ha, còn các vụ khác thì năng suất đạt thấp. Thấy nhiều nông dân chuyển đổi đất ruộng sang trồng màu, gia đình tôi cũng chuyển đổi theo. Đầu năm 2023, gia đình mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích từ đất ruộng sang trồng bí đỏ. Hiện tại, ruộng bí đỏ của gia đình ông đã hơn 60 ngày, ước năng suất đạt từ 07 - 08 tấn/ha; với giá thương lái đặt hàng từ 8.500 - 10.000 đồng/kg, ước thu nhập trên 30 triệu đồng/vụ/ha.
Bài, ảnh: KIM NGÂN