Tiêu chí đại diện người dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Người dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần được xem xét tổng hợp bằng hệ thống tiêu chí và yếu tố đặc thù vùng miền.
Ngày 20/5, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn về Dân tộc đã tổ chức Hội thảo khoa học "Tiêu chí đại diện người dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong thời kỳ mới". Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia trong việc xây dựng các tiêu chí cho người dân tộc thiểu số khi tham gia Ủy viên Mặt trận Tổ quốc.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá mặt tích cực và hạn chế của người đại diện tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất quan điểm, kiến nghị giải pháp phù hợp, khả thi, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách; kế thừa, phát huy hiệu quả vai trò của người đại diện có uy tín trong cộng đồng.
Hội thảo nhận được nhiều tham luận, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng chính sách của đại biểu là các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo... Tiến sĩ Lò Giàng Páo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc nêu quan điểm: Người đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số cần xây dựng các chương trình phát triển bền vững của vùng và địa phương nhằm hướng tới việc tạo sự thống nhất trong nhận thức của các ngành, các cấp và xã hội về vị trí, vai trò của người đại diện có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; thống nhất về công tác quản lý của người đại diện có uy tín trên các địa bàn và thống nhất về hình thức tổ chức, thực hiện chế độ, chính sách đối với người đại diện.
Theo Tiến sĩ Bế Trường Thành, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc, hiện nay Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức duy nhất có đủ đại diện của tất cả thành phần dân tộc ở nước ta. Việc xác định, lựa chọn đại diện là người dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần được xem xét tổng hợp bằng hệ thống tiêu chí và tính đến các đặc điểm, yếu tố đặc thù vùng miền.
Ông Đinh Hồng Vận, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc cho rằng, đối với Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở phải là những người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở địa phương, là những người đi đầu trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp với cộng đồng các dân tộc ở địa phương.
Còn người đại diện ở cấp Trung ương, theo ông Vận cần quan tâm đến những người có ảnh hưởng rộng lớn trong một hay nhiều cộng đồng dân tộc, hiểu biết sâu rộng về chính sách và pháp luật, có tâm, có tầm, có khả năng phản biện và đóng góp xây dựng các chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc.
Ông Cầm Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc cho rằng: Đại diện người dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải là người thông thạo tiếng dân tộc mình, hiểu biết phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là văn hóa dân tộc.
Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã làm rõ thêm vai trò tích cực của người đại diện dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đề xuất các quan điểm về tiêu chí làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách, phát huy hiệu quả vai trò của người đại diện trong phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.
Hội thảo đã góp phần thiết thực giúp cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Đề án về nhân sự, phục vụ cho Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 theo dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2024.