Tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Dịch vụ thẩm định giá có vai trò quan trọng khi nền kinh tế Việt Nam chuyển từ cơ chế giá hành chính sang cơ chế giá thị trường, góp phần tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước trong đầu tư, mua sắm tài sản; chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bài viết đánh giá về một số tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới.
Các tiêu chí đánh giá
Cùng với sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu về thẩm định giá tài sản trong xã hội tại Việt Nam ngày càng tăng. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải đưa thẩm định giá tài sản trở thành một hoạt động dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, độc lập, khách quan nhằm bảo đảm cho nghề thẩm định giá phát huy tốt vai trò của mình, từ đó góp phần bảo đảm lợi ích của các bên tham gia thị trường.
Thời gian qua, Việt Nam luôn định hướng tạo môi trường pháp lý ổn định và thuận lợi để thẩm định giá tài sản thành một nghề có tính chuyên nghiệp cao; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước (QLNN) và sự quản lý, giám sát thống nhất của Bộ Tài chính trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản; nâng cao vai trò của tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá; tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ thẩm định giá…
Hiện nay, hoạt động thẩm định giá đã có nhiều thay đổi, phát triển cả về số lượng thẩm định viên và số lượng các tổ chức tham gia thị trường thẩm định giá. Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), tính đến nay, cả nước có 300 DN thẩm định giá đang hoạt động, với khoảng 1.400 thẩm định viên về giá đang hành nghề. Để hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng được bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc nghiên cứu các tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Hiệu lực QLNN là một phạm trù xã hội chỉ mức độ pháp luật được tuân thủ và mức độ hiện thực quyền lực chỉ huy và phục tùng trong mối quan hệ giữa chủ thể quản lý với đối tượng quản lý trong những điều kiện lịch sử nhất định. Hiệu lực QLNN nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá chỉ mức độ tuân thủ pháp luật, chấp hành mọi chỉ đạo từ các cơ quan QLNN của các DN kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đồng thời, biểu hiện mức độ hiện thực quyền lực Nhà nước của các cơ quan QLNN và uy tín của các cơ quan QLNN đối với các DN trong công tác QLNN về hoạt động hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Do vậy, việc đánh giá hiệu lực QLNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá có thể dựa trên tiêu chí sau:
Thứ nhất, đánh giá hiệu lực QLNN qua mức độ tuân thủ các quy định pháp luật.
Thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp thẩm định giá phát triển “quá nóng” với những quy mô rất khác nhau, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Để tồn tại, các doanh nghiệp này cạnh tranh rất mạnh với các doanh nghiệp có quy mô lớn, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh bằng các biện pháp không phù hợp với quy định của pháp luật nhằm tranh khách hàng, không bảo đảm chất lượng, đưa ra giá dịch vụ thẩm định giá tùy tiện, dưới mức cần thiết, gây nhiễu loạn thị trường.
Cụ thể, cần xem xét mức độ tuân thủ các quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ thẩm định giá của các DN. Đồng thời, đánh giá việc tuân thủ các quy định theo các tiêu chí, chỉ tiêu chính đối với quá trình điều tiết, kiểm tra, giám sát quá trình kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Thời gian qua, phần lớn DN đã chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra khá phổ biến, phức tạp thông qua các hành vi như: giảm giá dịch vụ bất hợp lý (chỉ bằng 50%-60% mức giá dịch vụ DN đã công bố); chi “hoa hồng”, “chiết khấu”, khuyến mại không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh; sẵn sàng chấp nhận các điều kiện không hợp lý của khách hàng (thời gian, quy trình, mức giá thẩm định…).
Theo Hội Thẩm định Giá Việt Nam, tình trạng xuất hiện hoạt động của “thị trường ngầm” về giá dịch vụ thẩm định giá, chiết khấu, hoa hồng; chất lượng dịch vụ thấp; giá tài sản thẩm định không phù hợp với giá thị trường gây nợ xấu của nền kinh tế (đối với lĩnh vực thẩm định giá tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng), tạo nghi ngờ cho khách hàng về nghề, về đạo đức, năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ làm giảm uy tín, sự tin tưởng của khách hàng về nghề thẩm định giá...
Thứ hai, đánh giá hiệu lực QLNN qua mức độ hiện thực quyền lực nhà nước.
Để đánh giá được hiệu lực QLNN qua mức độ hiện thực quyền lực nhà nước, cần đánh giá trên một số tiêu chí sau:
- Mức độ thực hiện tổ chức xây dựng và triển khai định hướng phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá: Nhằm định hướng phát triển, chiến lược tổng thể cho hoạt động thẩm định giá nói chung và hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá nói riêng, ngày 28/3/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 623/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực thẩm định giá; phát triển nghề thẩm định giá theo lộ trình phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia nền kinh tế; Đồng thời, tăng cường và nâng cao năng lực QLNN về thẩm định giá, củng cố cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực thẩm định giá đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế…
- Mức độ ban hành pháp luật đầy đủ, đồng bộ, kịp thời để tạo điều kiện pháp lý cho phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá: Lĩnh vực thẩm định giá của Việt Nam mới xuất hiện từ những năm 1993-1994 của thế kỷ trước, còn khá non trẻ so với thế giới.
Khi Pháp lệnh Giá được ban hành và có hiệu lực năm 2002, hoạt động thẩm định giá bắt đầu được thực hiện theo quy định tại pháp lệnh này. Nghị định số 101/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thẩm định giá ra đời ngày 03/8/2005 và sau đó là việc Bộ Tài chính ban hành các thông tư và quyết định liên quan đến hoạt động thẩm định giá có thể coi là một bước đánh dấu sự phát triển của nghề thẩm định giá ở Việt Nam. Trong giai đoạn này, hoạt động thẩm định giá có nhiều thay đổi, phát triển cả về số lượng thẩm định viên và số lượng các tổ chức tham gia thị trường thẩm định giá.
Đặc biệt, đáp ứng tình hình mới, ngày 20/6/2012, Quốc hội ban hành Luật Giá số 11/2012/QH13. Ngày 06/8/2013, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá. Sau đó, các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ Tài chính – đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng QLNN về thẩm định giá với các nhiệm vụ, quyền hạn cũng đã ban hành hàng loạt thông tư như: Thông tư số 46/2014/TT-BTC, Thông tư số 38/2014/TT-BTC, Thông tư số 204/2014/TT-BTC, Thông tư số 11/2019/TT-BTC… hướng dẫn các đối tượng liên quan thực hiện. Qua đó, khuôn khổ chính sách đã dần hoàn thiện theo hướng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời để tạo điều kiện pháp lý cho phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn một số bất cập trong các quy định của Nhà nước. Chẳng hạn, vấn đề giá dịch vụ thẩm định giá, theo Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo thỏa thuận giữa DN thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá. Nghị định số 89/2013/NĐ-CP cũng chỉ quy định các căn cứ để DN tự tính toán công bố bảng giá dịch vụ mang tính định tính, không có định lượng, dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh về giá trong hoạt động thẩm định giá hiện nay...
- Mức độ điều tiết, can thiệp của Nhà nước, can thiệp quá mức hay thiếu sự điều tiết phù hợp trong quá trình cung cấp dịch vụ: Hiện nay, Nhà nước chỉ thực hiện, điều tiết và can thiệp vừa đủ, đúng đối tượng để hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá phát triển đúng hướng.
Thực tế cho thấy, Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 89/2013/NĐ-CP đã quy định thẩm quyền QLNN về thẩm định giá là: Chính phủ thống nhất QLNN về thẩm định giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng QLNN về thẩm định giá, trong đó có chức năng ban hành hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam để áp dụng trong hoạt động thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam. Với quy định đó, bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào hoạt động thẩm định giá đều phải tuân thủ quy định về thẩm định giá của Luật Giá.
Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra trường hợp có bộ, ngành đã có những quy định về giá, định giá “xung đột” với Luật Giá và Hệ thống Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động thẩm định giá. Chẳng hạn, theo kiến nghị tại Công văn số 187/2019/CV/HTĐGVN ngày 14/10/2019 tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2013/NĐ-CP của Hội Thẩm định giá Việt Nam gửi Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn định giá đất đã có những quy định không chuẩn về phương pháp xác định giá đất và xung đột với Luật Giá, Nghị định hướng dẫn Luật Giá về hoạt động tư vấn giá đất.
Được biết, đến nay, những bất cập đó vẫn tồn tại không được giải quyết. Hiện nay, Nghị định số 89/2013/NĐ-CP không quy định “Kiểm tra việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về giá, thẩm định giá và có biện pháp xử lý thích hợp”. Do đó, dẫn đến tình trạng cùng một vấn đề quy định giữa các bộ có sự mâu thuẫn nhau...
- Mức độ thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát: Thời gian qua, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cũng tích cực thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình cung cấp dịch vụ thẩm định giá của các DN. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã theo dõi, công bố kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của các DN thẩm định giá. Chẳng hạn, ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính thông báo kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá lần đầu (năm 2017) của 142 DN thẩm định giá đủ điều kiện đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá lần đầu.
Việc đánh giá chất lượng các DN là tiêu chí phân loại DN thẩm định giá trong quá trình hoạt động. Kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá không cung cấp cho DN thẩm định giá bất kỳ sự đảm bảo nào về chất lượng từng chứng thư, báo cáo kết quả thẩm định giá đã được kiểm tra của DN thẩm định giá, nhưng có thể thúc đẩy DN nỗ lực cải thiện chất lượng trong khi khách hàng có những nhận định để lựa chọn các DN uy tín...
Hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Hiệu quả là chỉ tiêu phản ánh trình độ khai thác các yếu tố đầu vào để tạo ra kết quả hoạt động tối đa với chi phí hoạt động tối thiểu, hoặc là chỉ tiêu phản ánh năng suất hoạt động, hiệu suất sử dụng các chi phí đầu vào. Do vậy, có thể hiểu hiệu quả QLNN về hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá phản ánh kết quả hoạt động QLNN với mức tối đa và chi phí QLNN ở mức tối thiểu. Hiệu quả QLNN được đánh giá bằng các tiêu chí như:
- Mức độ đạt được của các nội dung QLNN so với các mục tiêu QLNN về cung cấp dịch vụ thẩm định giá đã đặt ra: Theo Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020”, Việt Nam đề ra mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng 2200 thẩm định viên về giá; nhiều DN có quy mô lớn...
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các DN thẩm định giá phát triển “quá nóng” với những quy mô rất khác nhau, nhiều DN thuộc nhóm DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Để tồn tại, các DN này cạnh tranh rất mạnh với các DN có quy mô lớn, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh bằng các biện pháp không phù hợp với quy định của pháp luật nhằm tranh khách hàng, không bảo đảm chất lượng, đưa ra giá dịch vụ thẩm định giá tùy tiện, dưới mức cần thiết, gây nhiễu loạn thị trường. Nhiều DN bản chất không phải là DN thẩm định giá (DN chuyên doanh về giá) mà chỉ là DN kinh doanh tổng hợp, đa ngành nghề, đa lĩnh vực (trong đó rất nhiều ngành nghề không liên quan đến giá và thẩm định giá), nhưng vẫn được cấp phép hoạt động như là DN thẩm định giá.
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cũng cho thấy, trong quá trình tổ chức thi hành các quy định hướng dẫn chi tiết Luật Giá tại Nghị định số 89/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế và bất cập trong quá trình cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, cũng như quản lý điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá. Điều này dẫn đến số lượng DN thẩm định giá phát triển nóng, phá vỡ định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013-2020. Đồng thời, cũng xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ, nhiều vụ việc thẩm định giá trong thi hành án, vay vốn ngân hàng gây bức xúc trong dư luận và xã hội…
- Kết quả của hoạt động định hướng, ban hành pháp luật, điều tiết và kiểm tra, thanh tra, giám sát của Nhà nước so với các mục tiêu QLNN về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Với sự ra đời của Luật Giá và sự nhận thức đầy đủ của cơ quan quản lý về tầm trong trọng hoạt động thẩm định giá trong nền kinh tế nói chung và cung cấp dịch vụ thẩm định giá của DN nói riêng, công tác QLNN cho thấy hiệu quả khi đề ra các giải pháp đảm bảo an toàn, kinh doanh của DN thẩm định giá và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tài chính cũng đã ban hành các quy định pháp luật, tạo khung pháp lý có ổn định lâu dài, ít điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin pháp luật cho các DN, khách hàng thực hiện tốt các quy định trong quá trình triển khai việc cung cấp dịch vụ, góp phần gia tăng hiệu quả QLNN về hoạt động này.
Các hoạt động điều hành của cơ quan quản lý tạo thuận lợi cho các DN triển khai lâu dài các dịch vụ... Bên cạnh đó, đối với hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngoài việc xử lý nghiêm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật còn cần tiến hành phân tích, đánh giá, tìm ra những hạn chế trong công tác định hướng, ban hành pháp luật và điều hành của Nhà nước để điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá được ổn định lâu dài, bảo vệ lợi ích và giảm thiểu tác động cho các DN, khách hàng và nền kinh tế.
Đề xuất, khuyến nghị
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá trong thời gian tới, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thẩm định giá nói chung và hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá nói riêng. Trong đó, cần bổ sung quy định giao Bộ Tài chính kiểm tra việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về thẩm định giá của các bộ, ngành, địa phương và có biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của Luật Giá. Đồng thời, cần quy định rõ ràng về DN thẩm định giá nhằm thanh lọc tình trạng thành lập và công nhận các DN là DN thẩm định giá quá dàn trải, quy mô “siêu nhỏ” như hiện nay, bảo đảm để DN thẩm định giá phải là các DN chuyên về giá (thẩm định giá, đấu giá, tư vấn giá, dịch vụ thông tin về giá…).
Hai là, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức QLNN về giá và thẩm định giá đáp ứng yêu cầu QLNN trong lĩnh vực giá và thẩm định giá; Chú trọng triển khai thông qua tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về thẩm định giá; cử cán bộ đi học tập, đào tạo bậc đại học, trên đại học trong và ngoài nước theo các chương trình học bổng của Nhà nước và nước ngoài tài trợ; tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài về quản lý giá và thẩm định giá...
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá của DN, trong đó tập trung kiểm soát và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động thẩm định giá; Có chế tài hoặc nghiêm cấm các DN thẩm định giá cung ứng dịch vụ thẩm định giá dưới giá thành dịch vụ thẩm định giá để loại bỏ đối thủ cạnh tranh hoặc áp dụng các hình thức khuyến mại không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh khi cung ứng dịch vụ thẩm định giá...
Tài liệu tham khảo:
Quốc hội (2012), Luật Giá số 11/2012/QH13;
Chính phủ (2013), Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá;
Bộ Tài chính (2014), Quyết định số 623/QĐ-BTC ngày 28/3/2014 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020;
Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 323/2016/TT-BTC ngày 16/12/2016 quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá;
Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 ban hành Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 12;
Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 25/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 323/2016/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá;
Bộ Tài chính (2018), Thông báo số 1085/TB-BTC ngày 28/12/2018 về công bố kết quả chất lượng hoạt động thẩm định giá lần đầu (năm 2017) của các doanh nghiệp thẩm định giá;
Hội Thẩm định Giá Việt Nam (2013), Đề án kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá trong hoạt động thẩm định giá;
Hội Thẩm định Giá Việt Nam (2019), Công văn số 187/2019/CV/HTĐGVN ngày 14/10/2019 tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2013/NĐ-CP.