Tiêu chí tổ chức Hội thi tài năng học sinh, sinh viên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế-kỹ thuật và hướng dẫn triển khai tổ chức Hội thi tài năng học sinh, sinh viên trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Dự thảo nêu rõ việc triển khai tổ chức Hội thi tài năng học sinh, sinh viên trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên các tiêu chí:
Công khai, minh bạch và khách quan, bảo đảm công tác tổ chức Hội thi tài năng phải đúng quy định, quy chế của Hội thi tài năng.
Hiệu quả, an toàn, chất lượng: Bảo đảm công tác tổ chức Hội thi tài năng tiết kiệm, an toàn, chất lượng và đúng quy định, quy chế của Hội thi tài năng.
Bảo đảm các nội dung dự thi có tính chuyên môn cao, đúng với loại hình, thể loại nghệ thuật biểu diễn, gồm: tuồng, chèo, cải lương, dân ca, bài chòi, ví dặm, nhã nhạc, kịch nói, xiếc, rối; ca, múa nhạc truyền thống và đương đại và các thể loại nghệ thuật khác do cơ quan, đơn vị chủ trì quy định phù hợp với thực tế của Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Tiêu chuẩn chất lượng
Đảm bảo 100% hoạt động cung cấp dịch vụ tổ chức Hội thi tài năng được xây dựng đảm bảo minh bạch, khách quan, hiệu quả, an toàn và chất lượng chuyên môn cao.
Bảo đảm 100% đối tượng tham dự Hội thi tài năng là học sinh, sinh viên đào tạo theo hình thức chính quy tập trung, có độ tuổi không quá 25 tuổi, đang học tập tại các các sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong cả nước.
Bảo đảm học sinh, sinh viên dự thi có chuyên môn tốt, có thành tích trong học tập, có tư cách đạo đức tốt và được cơ sở đào tạo cử tham gia Hội thi tài năng. Những trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của cơ quan, đơn vị chủ trì và thực hiện theo quy chế của Hội thi tài năng.
Đối tượng không được tham gia dự thi: Học sinh, sinh viên đang học các chương trình đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học và giáo dục từ xa.
Hiệu quả dịch vụ sự nghiệp công
Phát hiện những học sinh, sinh viên tài năng đang theo học các ngành nghệ thuật tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp để tiếp tục có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn ở trong nước và nước ngoài nhằm tạo nguồn đội ngũ kế cận, bổ sung lực lượng giảng viên, giáo viên, nghệ sĩ tài năng phục vụ cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Đánh giá chất lượng đào tạo các ngành/chuyên ngành trong lĩnh vực nghệ thuật; tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo trao đổi kinh nghiệm, liên kết, hợp tác và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và quảng bá đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn và đạo đức nghề nghiệp; động viên, khích lệ học sinh, sinh viên cố gắng, nỗ lực học tập, sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.