Tiêu chí ứng xử chung của gia đình Việt Nam: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ

Giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống là trách nhiệm của mỗi gia đình. Ảnh: THIÊN LÝ

Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ là những tiêu chí ứng xử chung của gia đình Việt Nam theo nội dung của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT-DL vừa ban hành.

Giá trị cốt lõi của gia đình

Hộ ông Lê Văn Lý ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) là một gia đình ba thế hệ. Trong cuộc sống đời thường, các thành viên trong gia đình ông luôn đoàn kết, yêu thương, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền.

Theo ông Lý, để có một gia đình ấm êm, hạnh phúc đòi hỏi các thành viên phải đoàn kết, đặc biệt ông bà luôn gương mẫu bảo ban con cháu về nếp sống sinh hoạt, truyền thống văn hóa gia đình. “Để gia đình luôn hòa thuận, hạnh phúc, mình phải hiểu được tính nết của từng người để điều chỉnh hợp lý. Bậc làm cha mẹ phải phân định rõ phải, trái thật công bằng. Các thành viên phải biết trên kính, dưới nhường, biết quan tâm, tôn trọng nhau, sống đoàn kết, cư xử đúng mực. Có như thế mới trong ấm ngoài êm”, ông Lý chia sẻ.

Gia đình sẽ là tổ ấm đúng nghĩa khi đó là nơi các thành viên tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia cùng nhau. Chị Đào Thị Lành ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), cho hay trước đây, công việc của chồng chị bận rộn, thường xuyên vắng nhà nên gần như mọi chuyện lớn, nhỏ trong gia đình đều do chị quán xuyến. Đôi khi muốn tâm sự một chút với chồng về khó khăn trong công việc, cuộc sống, nuôi dạy con... nhưng chị chỉ nhận được từ anh sự thờ ơ hoặc ừ hử cho qua chuyện. Nhưng giờ đây, gia đình chị Lành đã có nhiều thời gian bên nhau hơn. Vào ngày nghỉ hoặc những khi rảnh rỗi, cả nhà cùng đi chơi rất vui vẻ. Những bữa cơm tối, chồng chị Lành tranh thủ thu xếp công việc về sớm để ăn cùng. Đối với việc nhà, chị Lành nhẹ nhàng nhờ anh làm giúp và đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác tích cực từ chồng.

Chị Lành trải lòng: “Có được trái ngọt hạnh phúc như bây giờ, hai vợ chồng tôi đã đặt cái tôi xuống để cùng nhau giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn trong cuộc sống. Từ đó biết sống có trách nhiệm, điều chỉnh để hòa hợp trong lối sống, cùng gìn giữ, vun đắp hạnh phúc gia đình”.

Điều chỉnh hành vi của mỗi người

Với gia đình Việt, chuẩn mực cao nhất của hạnh phúc không phải là sự sang giàu về vật chất, mà là tình nghĩa, sự gắn bó, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau... Mỗi người con đất Việt, dù có đi bốn phương trời, già hay trẻ, ở bất cứ cương vị nào đều hướng về gia đình, khát khao được yêu thương, chia sẻ. Tuy nhiên, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự tiếp nhận thiếu chọn lọc lối sống bên ngoài, một số giá trị truyền thống trong gia đình đang dần bị mai một và biến dạng. Mối quan hệ giữa các thành viên trong một số gia đình trở nên lỏng lẻo và thiếu gắn kết... Vì vậy, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT-DL vừa ban hành góp phần nhắc nhở, điều chỉnh lại hành vi của mỗi người, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Bộ tiêu chí áp dụng cho các thành viên gia đình bao gồm những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ là nhóm tiêu chí chung. Trong đó, tôn trọng đồng nghĩa với đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau. Bình đẳng là có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Yêu thương và chia sẻ là gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau, cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Ngoài những tiêu chí chung, ở từng mối quan hệ sẽ có những tiêu chí ứng xử riêng. Như tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là chung thủy, nghĩa tình; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là gương mẫu, yêu thương; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em là hòa thuận, chia sẻ... Không khó để nhận thức đúng và đủ những tiêu chí này, bởi đó chỉ là sự khẳng định lại những giá trị cốt lõi đã thành truyền thống của một gia đình Việt Nam vốn được hun đúc qua nhiều thế hệ.

Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) Trần Tuyết Ánh cho biết: “Những nội dung nêu trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại từ ngàn đời, đó là kính trên nhường dưới, con cháu hiếu thảo với ông bà và cha mẹ... Sự ra đời của bộ tiêu chí này chỉ là cách để nhắc nhở, đồng thời để các thành viên trong gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức hơn về cách giao tiếp, chia sẻ lẫn nhau. Xã hội nào cũng có cái tốt, cái xấu đan xen. Chúng ta cần nỗ lực hết sức để loại bỏ những tác động tiêu cực, truyền tải những nguồn thông tin tích cực...”.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/271451/tieu-chi-ung-xu-chung-cua-gia-dinh-viet-nam--ton-trong-binh-dang-yeu-thuong-va-chia-se.html