Tiêu chuẩn giảng viên theo Thông tư 01/2024-BGDĐT có là thách thức với các trường đại học?

Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học (ĐH) bao gồm các tiêu chuẩn, yêu cầu tối thiểu về điều kiện đảm bảo chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó, quy định về tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ tại thông tư này là thách thức không nhỏ đối với các trường ĐH mới đào tạo tiến sĩ.

Cô và trò Trường ĐH Hồng Đức trong giờ học.

Cô và trò Trường ĐH Hồng Đức trong giờ học.

Tại Tiêu chí 2.3 của Tiêu chuẩn 2, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ như sau: Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục ĐH không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ. Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.

Tại Thanh Hóa, các trường ĐH cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Là cơ sở đào tạo ĐH trực thuộc địa phương hoàn thiện tất cả các hệ bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc mầm non đến đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường ĐH Hồng Đức hiện đang chủ trì đào tạo 7 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 21 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ (trong đó có 1 chuyên ngành liên kết đào tạo với nước ngoài) và 36 ngành đào tạo kỹ sư, cử nhân ĐH. Tính đến tháng 9/2024, nhà trường có 672 viên chức, người lao động, trong đó có 402 giảng viên với 186 tiến sĩ (đạt tỷ lệ 46,27%, cao hơn so với 32% là mức trung bình của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam), có 28 PGS.TS (đạt tỷ lệ 6,67%); 28 tiến sĩ được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài (chiếm 16,3%); 139 giảng viên có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giảng dạy, chiếm tỷ lệ 34,15%. Như vậy, chiếu theo quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, Trường ĐH Hồng Đức đang vượt tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ theo quy định.

PGS.TS Đậu Bá Thìn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, chia sẻ: Chuẩn hóa đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là mục tiêu mà Trường ĐH Hồng Đức hướng tới. Do đó, nhà trường đã hỗ trợ, tạo điều kiện để giảng viên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hằng năm, nhà trường đều phê duyệt quy hoạch đào tạo trình độ tiến sĩ đối với giảng viên (cả đào tạo ở nước ngoài, đào tạo trong nước, đào tạo tại trường) và có thực hiện báo cáo, đánh giá kết quả hằng năm gắn với thi đua, khen thưởng.

Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Thanh Hóa hiện đang đào tạo 1 ngành tiến sĩ, 3 ngành thạc sĩ, 21 ngành ĐH và 3 ngành trung cấp năng khiếu (trong đó có 8 ngành đặc thù gồm 5 ngành hệ ĐH và 3 ngành hệ trung cấp). Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhà trường là 64/231, đạt tỷ lệ 27,7% và 14 giảng viên đang học nghiên cứu sinh. Như vậy so với quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ, Trường ĐH VHTT&DL đang vượt quy định.

PGS.TS Nguyễn Thị Thục, Phó hiệu trưởng Trường ĐH VHTT&DL Thanh Hóa, cho biết: Những năm qua, tập thể lãnh đạo nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, điển hình nhà trường đã ban hành quy định hỗ trợ đãi ngộ và thu hút đối với cán bộ, giảng viên, viên chức có trình độ cao giai đoạn 2023-2025 như: hỗ trợ bảo vệ học hàm GS, PGS và đào tạo nghiên cứu sinh (nghiên cứu sinh được thanh toán toàn bộ học phí khóa học đến khi nhận bằng tiến sĩ; hỗ trợ kinh phí mua tài liệu, nghiên cứu khảo sát thực tế); hỗ trợ các đóng góp vượt trội về định mức giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo hình thức thưởng ngoài lương hàng tháng...; chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về giảng dạy tại trường: đối với GS hưởng hỗ trợ một lần tối đa không quá 300.000.000 đồng; PGS hưởng hỗ trợ một lần tối đa không quá 200.000.000 đồng; tiến sĩ hưởng hỗ trợ một lần tối đa không quá 100.000.000 đồng...

Trong xu thế tự chủ ĐH, việc các trường ĐH của tỉnh đạt và vượt tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ theo quy định của Bộ GD&ĐT là điều hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, sự không đồng đều về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giữa các lĩnh vực, ngành đào tạo vẫn còn; nhiều giảng viên gặp khó khăn về tài chính để học tập, nâng cao trình độ ở học vị tiến sĩ hoặc các điều kiện nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu của chức danh PGS, GS...

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tieu-chuan-giang-vien-theo-thong-tu-01-2024-bgddt-co-la-thach-thuc-voi-cac-truong-dai-hoc-226943.htm