Tiêu điểm: Áp lực giải ngân hơn 750.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023

Trong bối cảnh hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, ngay từ đầu năm, các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là những nơi có số vốn đầu tư công lớn đã vào cuộc rất quyết liệt, để tránh tình trạng 'đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng'.

Năm 2023, tổng số vốn đầu tư công tăng 25% so với năm 2022, trong khi đó vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định

Năm 2022 có khoảng 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tính đến hết tháng 1 năm nay, tức là hết thời hạn để giải ngân số vốn của năm ngoái thì tỷ lệ giải ngân đạt được là gần 93% so với kế hoạch Thủ tướng giao.

Sang năm 2023, số vốn đầu tư công được giao tăng thêm khoảng 140.000 tỷ đồng so với năm ngoái, tương đương tăng 25%, tức là trên 750.000 tỷ đồng phải được đưa vào nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có những giải pháp quyết liệt để giải ngân hiệu quả cho các dự án sử dụng nguồn vốn này, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm, các dự án có tính lan tỏa. Trước áp lực giải ngân lớn, ngay từ những ngày đầu tiên của niên hạn giải ngân, nhiều địa phương, Bộ ngành đã đưa ra các giải pháp quyết liệt. Câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải là một trong những ví dụ

Với số vốn được giao là hơn 10.800 tỷ đồng năm nay, cao gấp 2,7 lần so với năm ngoái. Ngay sau khi được phân bổ, ban quản lý dự án 6 đã yêu cầu các nhà thầu đồng loạt ra quân trên công trường, lên kế hoạch giải ngân vốn ngay từ đầu năm.

Tương tự, Ban quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải cũng được phân bổ hơn 11 nghìn tỷ đồng. Ngay trong tháng đầu tiên của năm, Ban 2 đã giải ngân được 500 tỷ đồng.

Năm 2023, tổng số vốn đầu tư công giao cho Bộ Giao thông vận tải là 94 nghìn tỷ đồng, gấp đôi số vốn của năm ngoái. Đây là con số kỷ lục, là thách thức lớn chưa từng có đối với ngành giao thông vận tải. Bộ đã sớm nhận định những rủi ro tiềm ẩn khi triển khai đồng loạt nhiều dự án lớn trong năm. Đáng kể nhất, là việc thiếu hụt, tăng giá nguyên vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, năng lực thực hiện của các địa phương, Ban QLDA, nhà thầu, tư vấn có thể không đáp ứng yêu cầu khi khối lượng công việc lớn và tập trung trong cùng một thời điểm.

Hiện, Bộ Giao thông vận tải là bộ đi đầu trong công tác quản lí giải ngân bằng phần mềm riêng giúp liên tục cập nhật kế hoạch thực hiện của từng dự án. Dự kiến hết tháng 2, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được khoảng 8.300 tỷ đồng. Nếu duy trì tiến độ này, việc Bộ Giao thông vận tải có thể hoàn thành kế hoạch vốn được giao trong năm 2023 là hoàn toàn khả thi.

Khi vốn đầu tư công được giải ngân cũng đồng nghĩa hàng loạt các lĩnh vực kinh doanh khác như vật liệu xây dựng, vận tải, logistics… cũng có thêm cơ hội, từ đó tạo sự lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, nhiều địa phương cũng đẩy mạnh việc này ngay từ đầu năm.

Để có thể triển khai khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, việc triển khai giải phóng mặt bằng đang được thực hiện rốt ráo tại huyện Thường Tín Hà Nội. Đây là huyện có diện tích cần giải phóng cho dự án vành đai 4 lớn thứ 3 tại Hà Nội với chiều dài 9,2 km, qua 9 xã với khoảng 2000 hộ dân bị ảnh hưởng. Để thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023, chủ trương phân bổ vốn linh hoạt của Thành phố Hà Nội đã phát huy hiệu quả.

Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công của TP.Hồ Chí Minh là hơn 70.000 tỷ đồng. Thành phố xác định, đây là cơ hội để thúc đẩy, phát huy tính năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trong xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế xã hội nhanh, bền vững hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Sức ép trong công tác chuẩn bị dự án năm nay bao gồm việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án sẽ giảm bớt so với năm ngoái. Đây chính là điều kiện tốt để các bộ, ngành, địa phương tăng tốc thi công, giải ngân ngay trong những tháng đầu năm.

Còn theo lãnh đạo Bộ Tài Chính, ngoài việc chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công cần khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục thanh toán, giải ngân ở từng dự án.

2023 cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại của gói 350.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm này, hơn 90% nguồn vốn đầu tư công đã được phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nhiều địa phương đã có những giải pháp căn cơ hơn để giải ngân nguồn vốn quan trọng này, từ đó tạo động lực tăng trưởng mới ở địa phương và các khu vực dự án đi qua.

Khối lượng giải ngân rất lớn của năm 2023 đặt áp lực, trách nhiệm và cả cơ hội cho nhiều Bộ, ngành địa phương. Với sức nóng từ những chỉ đạo người đứng đầu Chính phủ ngay từ đầu năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục lan truyền đến các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, tạo động lực để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của cả năm, để việc giải ngân vốn đầu tư công không còn là "nỗi trăn trở" mỗi khi nhắc đến.

Thực hiện : Nguyễn Duyên Ninh Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-ap-luc-giai-ngan-hon-750000-ty-dong-von-dau-tu-cong-nam-2023