Tiêu điểm: Bức tranh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm

Trên 95% là mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ đề ra cho năm 2024. Tuy nhiên, hết tháng 6/2024, con số giải ngân mới chỉ đạt chưa đầy 30%. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng thấp. Nhiều Bộ, ngành, địa phương không duy trì được 'phong độ' giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023.

Nếu so với con số kỷ lục hơn 711 nghìn tỷ của năm 2023 thì số vốn 677 nghìn tỷ của đầu tư công năm 2024 có phần “khiêm tốn”, bằng khoảng 95% so với năm trước.

Đến thời điểm này, việc phân bổ vốn chi tiết của cả năm 2024 đã đạt 95% kế hoạch vốn, thế nhưng, việc giải ngân mới đạt hơn 196 ngàn tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch.

Với kết quả này, giải ngân vốn đầu tư công của 6 tháng đầu năm nay thấp hơn hơn 1 điểm % và thấp hơn khoảng 20 ngàn tỷ đồng so với năm 2023.

Trong đó, nhiều Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không giữ được phong độ giải ngân của 2023. Cụ thể, có 15 Bộ, cơ quan Trung ương, 33 địa phương có số vốn giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

Một số dự án quan trọng được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng có tỉ lệ giải ngân thấp như: Dự án Vành đai 3 - TP.HCM; Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,…

GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG TPHCM: TÁI DIỄN TÌNH TRẠNG "ĐẦU NĂM THONG THẢ..."

Lại tái diễn tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả" là câu chuyện của giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM. Là một trong những đơn vị nắm giữ số vốn lớn nhất cả nước, năm nay, TP.HCM được giao hơn 79 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7 này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM mới chỉ đạt 14,5% kế hoạch. Trong đó, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng tại TP.HCM dù được ưu tiên bố trí hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại không giải ngân được vì vấn đề muôn thuở - chậm giải phóng mặt bằng.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM lần thứ 17 vừa qua, các đại biểu kiến nghị UBND TP.HCM, sở ngành, địa phương tập trung nỗ lực giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố hiện đang có 189 vấn đề tồn tại về đầu tư công cần tháo gỡ. Thành phố đang nỗ lực để xử lý các nút thắt này.

Dù các sở ngành đang nỗ lực nhưng đến đầu năm nay, các dự án đầu tư công mới có hồ sơ, cộng thêm các vấn đề về quy hoạch, đất đai nên tiến độ bị chậm. Mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công của TP.HCM đang đứng trước áp lực lớn.

MẤT “PHONG ĐỘ” GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG DO THIẾU CÁT

Nếu như tại TP.HCM chậm giải ngân vốn đầu tư công do chậm giải phóng mặt bằng thì ở nhiều tỉnh khác nguyên nhân chính nằm ở tình trạng thiếu đất, cát đắp nền; đặc biệt ở các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án trọng điểm đường liên vùng, đường ven biển vùng.

Thiếu cát không chỉ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn “lan” ra ở nhiều dự án giao thông trọng điểm phía Bắc. Đây là một nguyên nhân khiến tiến độ thi công xây lắp của dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô mới chỉ đạt 8,3%. Dự án này mỗi ngày cần 3.000 - 4.000m2 cát đắp nền. Thế nhưng, lượng cát huy động được chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu.

Còn tại Bắc Ninh, tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm nay chỉ gần 13% kế hoạch, bằng non nửa so mức 30% cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng giảm tốc giải ngân chủ yếu do thiếu vật liệu cát.

Dù hầu hết các dự án quan trọng quốc gia đã được áp dụng cơ chế đặc thù, dù Chính phủ và địa phương đã vào cuộc đôn đốc, nhưng tình trạng thiếu cát vẫn diễn ra phổ biến. Từ đó, nhiều công trình, địa phương mất "phong độ" giải ngân so với cùng kỳ năm ngoái.

GIẢI PHÁP TĂNG TỐC GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Bên cạnh một số Bộ, ngành, địa phương "hụt hơi" trong giải ngân, vẫn có một số bộ ngành duy trì được phong độ. Là một trong những Bộ, ngành đạt kết quả giải ngân cao nhất trong cả nước, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân hơn 40% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh nghiệm nào giúp Bộ này đạt được kết quả giải ngân khả quan? Và để tăng tốc giải ngân từ nay đến cuối năm thì cần tính toán các giải pháp nào? Ghi nhận của phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

6 tháng, giải ngân đạt 51,7% tương đương hơn 2.400 tỷ đồng, Ban Thăng Long - Bộ Giao thông Vận tải đã vượt 15% kế hoạch. Bên cạnh tăng thiết bị, tăng ca, tăng kíp trên các công trường lớn, Ban này đã nỗ lực tìm mọi giải pháp linh hoạt để giải 2 bài toán lớn về giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng.

Tương tự, Ban Quản lý Dự án 6 của Bộ Giao thông Vận tải cũng đã giải ngân được 55% trên tổng số vốn hơn 9.500 tỷ đồng.

Tại hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” để phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao trong năm. Trong đó, vật liệu xây dựng và mặt bằng là 2 nút thắt phải được ưu tiên xử lý đầu tiên.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh Đợt thi đua "500 ngày đêm" để hoàn thành 3.000km cao tốc chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm thành lập nước.

Như vậy, các Bộ, ngành và địa phương cần xác định thi đua tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công để hoàn thành mục tiêu 95% kế hoạch được giao trong năm nay. Trong bối cảnh 2 động lực tăng trưởng là thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang ở mức yếu, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công chính là động lực để Việt Nam tăng tốc phục hồi kinh tế.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-buc-tranh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-6-thang-dau-nam-230317.htm