Tiêu điểm: FED tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2008 - Áp lực và phản ứng của Việt Nam

Ngày 21/9 (tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố đợt tăng lãi suất tiếp theo với mức tăng 0,75 điểm phần trăm, nâng lãi suất cơ bản lên mức 3% - 3,25%, cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong năm nay, đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất với mức 0,75 điểm phần trăm, biện pháp đã không được dùng đến trong nhiều thập kỷ.

Lạm phát của Mỹ hiện đạt mức kỷ lục trong 40 năm qua. Giá tiêu dùng trong tháng 8/2022 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,1% so với tháng trước. Mục tiêu của Fed là đưa lạm phát xuống mức 2%.

Ông JEROME POWELL - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed): “Tôi và các đồng nghiệp của mình cam kết sẽ đưa lạm phát trở về mức 2%. Hôm nay, Ủy ban thị trường mở Liên bang quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%. Với động thái này, chúng tôi đã tăng lãi suất thêm 3% trong năm nay. Khi chính sách tiền tệ đã được thắt chặt hơn, tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại. Cùng với đó chúng tôi cũng đánh giá những điều chỉnh chính sách của mình đang ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và lạm phát.”

Về khả năng tăng lãi suất trong tương lai, các quan chức Fed để ngỏ khả năng tăng thêm 0,75 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm tại 2 cuộc họp còn lại trong năm. Các dự báo cũng cho thấy lãi suất sẽ tăng nhẹ trong năm tới, trước khi giảm xuống vào năm 2024.

Fed đồng thời điều chỉnh các dự báo kinh tế của nước này. Theo đó, nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ sụt giảm trong năm 2022 và đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0,2%, sau đó sẽ tăng lên 1,2% vào năm 2023.

NỖI LO TRƯỚC VIỆC FED TĂNG LÃI SUẤT

Nỗi lo trước việc Fed liên tục tăng lãi suất là gì? Kinh tế Việt Nam chịu tác động thế nào? Với câu hỏi này thì tỷ giá luôn là vấn đề đau đầu nhất đối với cơ quan điều hành, và ở đây là Ngân hàng nhà nước. Như tại Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2022 (VSEF 2022) vừa qua, nhiều ý kiến nhận định, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá, bởi nó như phòng tuyến quan trọng trong trận chiến lạm phát...Muốn kiểm soát lạm phát, giữ tỷ giá, yêu cầu bắt buộc là phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19, đây là bài toán khó với nhà điều hành.

Ví von tỷ giá giống như “tử huyệt” của Việt Nam, chuyên gia này nhấn mạnh, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn lên tới 200% GDP, vì vậy tỷ giá là một “huyệt” rất quan trọng. Bởi tỷ giá có tác động đến lạm phát, nếu tỷ giá tăng, thì giá hàng hóa nhập khẩu tính bằng nội tệ sẽ tăng “kép”, vừa do tính bằng ngoại tệ tăng, vừa do tỷ giá tăng. Và thứ 2 là tác động đến yếu tố tâm lý. Nếu tỷ giá tăng, thì tâm lý găm giữ ngoại tệ tăng, gửi tiết kiệm giảm, gây sức ép tới lạm phát.

TS.LÊ XUÂN NGHĨA, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia: "Đây là điều mà cả thị trường thế giới đều đã lường trước. Nhưng đến khi nó diễn ra thì tất cả đều thấy sốc. Bản thân Ngân hàng trung ương cũng đặt ra vấn đề tỷ giá hối đoái là vấn đề khó điều hành. Như tôi sử dụng từ "tử huyệt". Bởi nếu chúng ta điều hành không khéo thì sẽ rất nguy hiểm. Khi Mỹ tăng lãi suất thì áp lực đối với tỷ giá hối đoái của Việt Nam, đồng nghĩa với việc buộc đồng Việt Nam phải giảm giá trị. Áp lực thứ hai là thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam trong năm là khá lớn."

Từ đầu năm đến nay, ước tính NHNN đã phải bán ra 21 tỷ USD để tăng thanh khoản cho thị trường, giúp tỷ giá ổn định. Mặc dù mức dự trữ ngoại hối quốc gia hiện nay vẫn được đánh giá là an toàn, song đã mỏng đi đáng kể so với trước đây. Trước bối cảnh này, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên nghiên cứu để mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ. Đây là vấn đề cân nhắc và sự đánh đổi đó là hết sức cần thiết cho Việt Nam.

TS.NGUYỄN ĐỨC ĐỘ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính: "Tôi nghĩ rằng chính sách tỉ giá hối đoái của NHNN trong những năm gần đây khá hợp lý."

Lưu ý rằng Fed còn có thể tiếp tục nâng lãi suất, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để ổn định tỷ giá cần dư địa cho các chính sách tiền tệ. Nhưng hiện nay dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Vì vậy nên tập trung vào chính sách tài khóa, phối hợp linh hoạt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đảm bảo vừa kiểm soát tốt câu chuyện về tỷ giá, cũng như kiểm soát tốt lạm phát.

Ông NGUYỄN MINH CƯỜNG, Kinh tế trưởng, Ngân hàng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): "Điều rất quan trọng là chính sách tiền tệ không thể đứng một mình mà phải kết hợp với chính sách tài khóa. Việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua rất linh hoạt và hiệu quả. Từ nay đến cuối năm cần cân nhắc dư địa, nếu như có những biến động như việc FED tăng lãi suất".

Trong phiên họp sáng nay, Thủ tướng CP Phạm Minh Chính chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh FED tiếp tục nâng lãi suất.Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, với nhiều khó khăn, thách thức, ngân hàng sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định".

LẦN ĐẦU TIÊN SAU 2 NĂM, NHNN TĂNG TRẦN LÃI SUẤT HUY ĐỘNG

Ngay sau thông tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nóng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất, thì cuối giờ chiều nay, cơ quan này đã phát đi thông báo tăng một loạt lãi suất điều hành. Như vậy, lần đầu tiên sau 2 năm, NHNN đã tăng 1 loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn.

Theo đó, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5% một năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm. Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5% một năm và 3,5% một năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng tăng từ 5% lên 6% một năm.

Có thể thấy việc FED tăng lãi suất lần này đã được dự báo sớm, các cơ quan quản lý nhà nước đã lắng nghe để từ đó chủ động tính toán biện pháp ứng phó. Vậy, Việc Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành phát đi thông điệp gì, và dự báo sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

VOXPOP: Ý KIẾN CHUYÊN GIA QUỐC TẾ VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC FED TĂNG LÃI SUẤT ĐẾN CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI

Về cơ bản, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, việc nắm giữ các tài sản bằng đô la Mỹ sẽ trở nên tương đối hấp dẫn hơn. Lãi suất càng được nâng lên, đặc biệt là tăng lên ở mức kỷ lục như hiện nay, thì càng có nhiều khả năng dòng tiền và dòng vốn đầu tư sẽ rời khỏi các thị trường mới nổi và đổ về nước Mỹ. Vậy Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi có thể bị ảnh hưởng ra sao từ động thái của FED. Mời quý vị cùng theo dõi ý kiến của một số chuyên gia quốc tế.

Ông ANDREW JEFFRIES - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: “Đô la Mỹ được coi là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, vì vậy nên sự không chắc chắn trên quy mô toàn cầu sẽ đẩy giá đồng đô la Mỹ và các tài sản được cho là ít rủi ro khác. Tất cả những điều này có thể gây bất ổn cho một số nền kinh tế mới nổi, khiến tỷ giá hối đoái của họ giảm giá so với đô la Mỹ. Điều này có nghĩa là hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt hơn đối với các nền kinh tế mới nổi, gây áp lực tồi tệ hơn lên vấn đề lạm phát tại các quốc gia này… Đây là thời điểm rủi ro với một số nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nền kinh tế có mức nợ ngoại tệ cao.”

Giáo sư ANDREAS HAUSKRECHT -Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, Mỹ: “Tác động từ việc tăng lãi suất quá nhanh là đồng đô la Mỹ đã gia tăng sức mạnh hơn 20% so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính… Đô la Mỹ được coi là tiêu chuẩn quốc tế và lãi suất của Mỹ cũng vậy… Việt Nam đã vượt qua đại dịch tương đối tốt. Tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 dự kiến đạt khoảng 6% và lạm phát đang được kiểm soát, chỉ số lạm phát cơ bản ở mức thấp và ổn định… Ổn định kinh tế vĩ mô cần được coi là mục tiêu chính sách chính trong giai đoạn này, và tôi nghĩ rằng không cần thiết phải khuyến nghị tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại, mà nên chi tiêu tài khóa một cách thận trọng để ổn định các kỳ vọng kinh tế.”

Ông ADAM SITKOFF - Giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội: “Trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, chính phủ Việt Nam đang tập trung phần lớn vào tăng trưởng kinh tế, nới room tín dụng, tạo điều kiện để tiền chảy vào lưu thông. Tuy nhiên, sẽ khó để Việt Nam có thể tiếp tục các chính sách như vậy khi các quốc gia phát triển đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ. Có thể kể đến Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu EU và cả Mỹ. Mỹ đang ghi nhận mức tăng lãi suất nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất từ trước tới nay. Và tác động trực tiếp của nó lên Việt Nam chủ yếu nằm ở lĩnh vực xuất khẩu, khi Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam… Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam thực sự đang làm tốt trong việc kiểm soát tình hình kinh tế vĩ mô.”

Thực hiện : Thùy Trang Khánh Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-fed-tang-lai-suat-len-muc-cao-nhat-ke-tu-nam-2008-ap-luc-va-phan-ung-cua-viet-nam