Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần qua (15/6 - 19/6)
Nền kinh tế Nhật Bản được cho rằng đã chạm đáy suy thoái trước các tác động của đại dịch Covid-19; trong khi đó, Hoa Kỳ có thể sẽ phải tái áp dụng các biện pháp cách ly xã hội khi vừa mới tái mở cửa nền kinh tế do số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh.
Thứ Hai – 15/6
Ông Jay Butler, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cảnh báo Hoa Kỳ có thể sẽ phải tái áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt như trước đây nếu như số ca nhiễm Covid-19 mới tại nước này tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh.
Hoa Kỳ hiện ghi nhận tới 20.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày trong thời gian gần đây trong bối cảnh các tiểu bang vừa mới nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Mặc dù giới chức y tế đã cảnh báo việc tái mở cửa sớm nền kinh tế sẽ gia tăng các rủi ro về y tế nhưng lãnh đạo các tiểu bang đang chịu áp lực lớn trong việc duy trì việc làm cho người lao động và ngăn chặn sự phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp.
Trước đó, Hoa Kỳ đã duy trì các biện pháp cách ly xã hội diện rộng kể từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2020 khiến hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ, sự bùng phát của đại dịch đã đặt dấu chấm hết cho mạch tăng trưởng kinh tế kéo dài kỷ lục 11 năm của Hoa Kỳ và đẩy nước này vào tình trạng suy thoái kinh tế.
Thứ Ba – 16/6
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nhận định nền kinh tế Nhật Bản có thể đã chạm đáy suy thoái tuy nhiên sự phục hồi của Nhật Bản sẽ không chỉ phụ thuộc vào tình hình thị trường nội địa mà còn phụ thuộc vào tình hình các thị trường nước ngoài.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, là nền kinh tế lớn đầu tiên trên toàn cầu chính thức rơi vào suy thoái kinh tế dưới các tác động của đại dịch Covid-19 với GDP quý 1/2020 đạt -3,4%.
Quốc hội Nhật Bản đã thông qua việc bổ sung ngân sách lần 2 nhằm có nguồn tài chính cho gói kích thích kinh tế trị giá 1.100 tỷ USD thứ hai. Trước đó, Nhật Bản đã tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.100 tỷ USD thứ nhất vào đầu tháng 4/2020. Cả hai gói kích thích kinh tế này đều có quy mô lớn nhất trong lịch sử kinh tế Nhật Bản và lớn hơn nhiều so với những gì nước này từng làm để cứu trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Thứ Tư – 17/6
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nền kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ suy giảm mạnh hơn so với các dự báo trước đây và cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây. Hồi tháng 4/2020, IMF đã dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020; đây cũng là thời điểm những quốc gia Châu Âu bắt đầu tiến hành phong tỏa nhằm phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19, kéo theo đó là sự đình trệ của các hoạt động kinh tế.
Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đánh dấu lần đầu tiên kể từ những năm 1930 cả những nền kinh tế phát triển lẫn các nền kinh tế mới nổi đều ghi nhận suy thoái. Mặc dù nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch để tái khởi động nền kinh tế, số ca nhiễm Covid-19 mới đang bắt đầu gia tăng trở lại. Điều này gây ra những thách thức nghiêm trọng trong việc cứu vãn các nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Thứ Năm – 18/6
Cơ quan thống kê Australia cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng 5/2020 đã đạt 7,1%, tăng 0,7% so với tháng 4 trước đó. Như vậy chỉ trong vòng 3 tháng kể từ tháng 3/2020 đến nay, đã có thêm 835.000 người lao động tại Australia mất việc làm dưới các tác động của đại dịch Covid-19.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Australia liên tục tăng cao bất chấp những nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc duy trì công việc cho người lao động, nhằm tránh sa lầy vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm trở lại đây.
Tính đến cuối tháng 5/2020, 1,64 triệu người lao động Australia đã được nhận các hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình Tìm việc làm và con số này là 3,5 triệu người đối với chương trình Giữ việc làm. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay.
“Chúng ta từng có nền kinh tế vững mạnh, ổn định và phát triển tốt. Dịch Covid-19 làm cho mọi người mất việc làm, và theo dự đoán, Australia có thể mất tới 2 năm để quay trở lại thời điểm trước khi xảy ra đại dịch”, Thủ tướng Scott Morrison cho biết.
Thứ Sáu – 19/6
Hãng tin Nikkei cho biết trong một cuộc họp của Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), ý tưởng thành lập một đồng tiền điện tử dựa trên đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Yên của Nhật Bản, đồng Won của Hàn Quốc và đồng dollar Hồng Kông (Trung Quốc) đã được nêu lên. Trung Quốc hiện đang đàm phán các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc. CPPCC được tổ chức bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc.
Điều này cho thấy các cuộc thảo luận về kế hoạch phát triển đồng tiền điện tử đang diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu thử nghiệm đồng Nhân dân tệ điện tử tại một số khu vực của nước này. Việc hình thành một đồng tiền điện tử có thể giúp thiết lập mạng lưới thanh toán xuyên biên giới và phù hợp với mong muốn tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ trên thế giới của Trung Quốc.
Trung Quốc đang xúc tiến mạnh việc xây dựng mạng lưới thanh toán độc lập với đồng USD của Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng kinh tế, thương mại và chính trị giữa hai nước ngày càng tăng cao.