Tiêu điểm: Nhìn lại 1,5 ngày chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau 4,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 36 để xem xét, cho ý kiến và quyết định 14 nội dung. Đáng chú ý, tại phiên họp này, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai 'giám sát lại' thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với các nhóm lĩnh vực.

Phiên chất vấn diễn ra trong 1,5 ngày nhưng rất nhiều vấn đề nóng trên nhiều lĩnh vực đã được thẳng thắn đề cập. Đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại” để bảo đảm thực hiện hiệu quả các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế liên quan tới 9 nhóm lĩnh vực: Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, thể thao và du lịch; Tư pháp; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Nội vụ; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.

Có thể thấy, 9 lĩnh vực này đã cho thấy sự bao quát tổng thể mọi mặt của đời sống xã hội, nhận được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội.

Đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu; 66 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn; 9 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận; 11 đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa được phát biểu.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi gửi tới quý vị góc nhìn về những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri liên quan tới nông nghiệp, văn hóa, tư pháp.

GIẢI QUYẾT CÂU CHUYỆN "MANH MÚN, NHỎ LẺ" TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Có thể thấy, nghị trường Quốc hội đã “nóng” lên ngay từ lĩnh vực chất vấn đầu tiên - lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khiến chúng ta phải suy nghĩ về thực trạng nông nghiệp nước nhà và định hướng trong thời gian tới. Dù nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu đạt 53 - 54 tỷ USD nhưng làm thế nào để thoát khỏi tình trạng “manh mún, nhỏ lẻ” và khẳng định thương hiệu vẫn là bài toán đặt ra.

7 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt trên 3,8 tỉ USD, tăng 23,4%. Xuất khẩu gạo cũng thu về 3,34 tỷ USD, tăng gần 30%. Với chăn nuôi, chỉ tính riêng quý II/2024, Việt Nam xuất khẩu được 6,19 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt.

Những con số này cho thấy nông nghiệp đang giữ ổn định đà tăng trưởng. Dù vậy, điều này chưa phản ánh hết khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu hiện nay.

KHƠI NGUỒN NHÂN LỰC TRẺ CHO NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, chấn hưng văn hóa... là vấn đề được đặc biệt quan tâm thời gian gần đây, nhất là khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đang được Quốc hội xem xét.

Tại phiên chất vấn vừa qua, một trong những khía cạnh của phát triển văn hóa là phát triển đội ngũ kế cận, trao truyền và đào tạo nghệ thuật truyền thống đã được nêu ra, trong bối cảnh nhiều ngành nghệ thuật truyền thống không có nguồn tuyển.

Sau sáp nhập năm 2018, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa giảm từ 93 biên chế còn 89 biên chế. Biên chế ít ỏi, song để tuyển đủ lứa trẻ theo nghề cũng không dễ dàng.

Không có người học, không có nguồn tuyển trong lĩnh vực truyển thống khiến cho quy mô và chất lượng đào tạo các ngành này có xu hướng giảm.

Ghi nhận những giải pháp Bộ trưởng đã nêu, song đại biểu cho rằng giải pháp để thu hút người học cần toàn diện hơn nữa.

Bên cạnh các giải pháp trực tiếp, tư lệnh ngành văn hóa cho rằng, chính các nhà quản lý cũng phải yêu văn hóa Việt Nam, coi văn hóa là hồn cốt, là nền tảng, từ đó mới có sự lan tỏa và có giải pháp tương xứng.

NÂNG CAO NĂNG LỰC, TÍNH CHUYÊN NGHIỆP CỦA BỘ MÁY THAM GIA XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Khi chất vấn về nhóm lĩnh vực tư pháp, nhắc lại một nội dung trong báo cáo thẩm tra Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Pháp luật đã nhiều lần có kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành cần khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ, bổ sung hồ sơ dự án luật, dự thảo nghị quyết sát kỳ họp, tuy nhiên, tình trạng này đã không được khắc phục… Đại biểu bày tỏ lo ngại về chất lượng các dự án luật khi trình sát kỳ họp, các chính sách chưa được đánh giá tác động.

Chia sẻ với những lo lắng của đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, tính năng lực và chuyên nghiệp là rất quan trọng trong xây dựng pháp luật. Về cơ bản, đội ngũ này phải tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp, cùng với đó kết hợp quan tâm chế độ, chính sách, đầu tư nâng cao trình độ, năng lực để chất lượng xây dựng pháp luật ngày càng tốt hơn.

CHẤT VẤN LÀ HÌNH THỨC GIÁM SÁT TỐI CAO, HIỆU QUẢ

Sau 1,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao không khí sôi nổi, thẳng thắn. Nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm, như: Công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, quản lý giá điện, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản hay công tác sắp xếp đơn vị hành chính...

Và đúng như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi kết luận phiên chất vấn, đó là “các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới”.

Với 75 lượt chất vấn, tranh luận, những câu hỏi gai góc, trực diện, thể hiện sự đeo bám đến cùng cũng như ý chí quyết liệt để giải quyết vấn đề, đơn cử như tình trạng luật vừa mới thi hành đã đề xuất sửa đổi hay việc Chính phủ chậm gửi hồ sơ, bổ sung dự án sát kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện được vai trò và trách nhiệm của mình.

Phiên chất vấn này cũng là cơ hội để các Bộ trưởng, trưởng ngành thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn, “giám sát lại” việc thực hiện các nghị quyết một lần nữa khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

NHỮNG PHÁT NGÔN ẤN TƯỢNG TRONG PHIÊN CHẤT VẤN

Sau đây, xin mời quý vị cùng nhìn lại những phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Gần 100 lượt đại biểu chất vấn, tranh luận cùng nhiều vấn đề nóng, tồn tại của các ngành, lĩnh vực được đề cập trong 1,5 ngày chất vấn đã thể hiện trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội. Từ đây, nhiều vấn đề được các trưởng ngành giải đáp và đưa ra giải pháp sát thực, khả thi hơn. Trên cơ sở nội dung phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp này để làm cơ sở cho các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Linh - Bùi Vũ - Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tieu-diem-nhin-lai-1-5-ngay-chat-van-tai-phien-hop-thu-36-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-233624.htm