Tiêu điểm quốc tế trong tuần: Israel 'chiếm sóng', Mỹ-Trung 'nóng lạnh', câu chuyện vaccine còn dài...
Thế giới tuần này nổi lên diễn biến mới trên chính trường Israel, căng thẳng Mỹ-Trung lại 'dậy sóng' trong khi câu chuyện vaccine vẫn là tâm điểm quốc tế đáng chú ý.
Thêm cam kết toàn cầu về biến đối khí hậu
Ngày 30-31/5, Hàn Quốc chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) lần thứ hai theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của hơn 60 lãnh đạo các nước, đại diện Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)...
P4G là một cơ chế thảo luận toàn cầu, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đối phó với biến đổi khí hậu. P4G lần thứ nhất diễn ra tại Đan Mạch năm 2018.
Các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị gồm có phiên thảo luận cấp cao của lãnh đạo các nước và phiên thảo luận thông thường với sự tham gia của quan chức chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức dân sự, giới học thuật.
Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Seoul gồm 14 điểm nhấn mạnh đến cam kết nỗ lực đạt được trung lập carbon thông qua "phục hồi xanh toàn diện" từ đại dịch Covid-19, thúc đẩy "chuyển đổi năng lượng bằng cách tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo" như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Các đại biểu cũng nhất trí tăng cường hợp tác để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tái khẳng định mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2 độ C, hướng tới mục tiêu tăng trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Tham dự hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận cấp cao. Thủ tướng khẳng định, là thành viên của tất cả các thỏa thuận quốc tế chính về môi trường và biến đổi khí hậu, một trong những thành viên sáng lập của Hội nghị P4G, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực, trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi xanh và phát triển bền vững.
Israel sẽ có "chính phủ thay đổi"?
Ngày 2/6, lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập Yair Lapid chính thức thông báo với Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Israel về việc đạt được thỏa thuận với các đảng phái liên minh để thành lập chính phủ mới, nhằm thay thế cho chính phủ hiện nay của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Thông báo được ông Lapid gửi tới Tổng thống Reuven Rivlin bằng email, trong đó có đoạn viết: “Tôi rất vinh dự thông báo với Tổng thống về việc đã thực hiện thành công nhiệm vụ thành lập chính phủ mới”. Ngay sau đó, Văn phòng Tổng thống Israel cho biết Tổng thống Rivlin đã gọi điện chúc mừng ông Lapid.
Trước đó vào ngày 6/5, ông Lapid đã được Tổng thống Rivlin giao nhiệm vụ đứng ra đàm phán thành lập chính phủ sau thất bại trong việc thành lập chính phủ của Thủ tướng Netanyahu. Hạn chót để ông Lapid hoàn thành nhiệm vụ này là trước 23h59 ngày 2/6.
Để có thể vận động được sự ủng hộ của các đảng đại diện cho tối thiểu 61 ghế trong Quốc hội Israel (Knesset), ông Lapid đã nhận được "quân bài" quyết định từ ông Naftali Bennett - lãnh đạo đảng Yamina. Theo thỏa thuận giữa các bên, ông Bennett và ông Lapid sẽ luân phiên nhau làm Thủ tướng trong chính phủ mới.
Gọi đây là “chính phủ thay đổi”, ông Lapid tuyên bố chính phủ mới “sẽ làm việc vì mọi công dân Israel… tôn trọng đối thủ và làm tất cả để thống nhất và kết nối mọi thành phần trong xã hội Israel”.
Thỏa thuận thành lập chính phủ của ông Ladid cần phải vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, với ít nhất 61 phiếu ủng hộ, trong khi đó, đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu nắm 30 ghế và liên minh với ít nhất ba đảng khác.
Điều này dự báo ông Ladid sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong cuộc bầu cử ngày 23/3, nếu tính cả số ghế của hai đảng Yamina và Ra’am, phe đối lập của ông Lapid chỉ vượt mức tối thiểu không nhiều. Vì vậy, vẫn còn khả năng phe của Thủ tướng Netanyahu sẽ vận động một số nghị sĩ trong liên minh đối lập phủ quyết việc này.
Giới quan sát cho rằng, chính phủ mới nếu chính thức được tuyên thệ sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn cả về an ninh, ngoại giao và kinh tế. Một thách thức nữa là nội bộ các đảng trong liên minh vẫn còn tồn tại mâu thuẫn khó hóa giải khi quy tụ một loạt đảng không cùng chính kiến từ đảng cánh tả, đảng cánh hữu và cả đảng trung tả.
EU khởi động gói phục hồi trị giá 750 tỷ Euro
Ngày 31/5, Hội đồng châu Âu (EC) tuyên bố các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu triển khai kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19 trị giá 750 tỷ Euro vào tháng 6 này sau khi tất cả 27 quốc gia thành viên thông qua chương trình này.
Chủ tịch luân phiên EC, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho rằng EU sẽ có được nguồn tài trợ cần thiết để phục hồi kinh tế và xã hội khi mà Ủy ban châu Âu có thể tiếp cận các thị trường vốn và vay tiền để chi cho kế hoạch phục hồi trên danh nghĩa các nước thành viên EU.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết EU lên kế hoạch khởi động gói phục hồi trên bằng đợt phát hành trái phiếu ban đầu trị giá 10 tỷ Euro.
Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ được giải ngân từ tháng 7 tới và dự kiến đến cuối năm nay, EU sẽ "bơm" hơn 100 tỷ Euro vào nền kinh tế để hỗ trợ công tác phục hồi cho các nước thành viên.
Trước đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện gây ra những tác động không nhỏ cho EU, vào tháng 7/2020, lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý thành lập một quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch trị giá 750 tỷ Euro (910 tỷ USD).
Quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ Euro (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
SPIEF 2021 thể hiện nỗ lực lớn của Nga
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 24, với chủ đề "Lại cùng nhau - Nền kinh tế thực mới" (Together again - Economy of new reality) diễn ra từ ngày 2-5/6, tại St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, khiến nhiều sự kiện lớn khác tiếp tục bị hủy bỏ, việc SPIEF 2021 được tổ chức trực tiếp và trực tuyến cho thấy nỗ lực lớn của nước chủ nhà, nhằm truyền tải thông điệp rằng đại dịch không thể ngăn cản hợp tác kinh tế quốc tế và đại dịch sẽ được kiểm soát.
Đây cũng là cơ hội cho phép khẳng định vị thế của nước Nga, trong bối cảnh Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên tại Davos (Thụy Sỹ) buộc phải tổ chức theo hình thức trực tuyến.
So với những năm trước, quy mô của diễn đàn năm nay được thu hẹp hơn với số lượng đại biểu tối đa 5.000 người (SPIEF 2019 có hơn 19.000 đại biểu đến từ 145 quốc gia). Đoàn Việt Nam chỉ bao gồm đại diện các doanh nghiệp của người Việt đang hoạt động tại Nga.
SPIEF 2021 gồm 4 chương trình chính: tham gia các lực lượng để thúc đẩy phát triển; thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia; nhân tố con người trong ứng phó với các thách thức toàn cầu; và biên giới công nghệ mới. Nhiều sự kiện thảo luận về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nga, SCO, BRICS, ASEAN và doanh nghiệp của G20...
Đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trực tiếp tại phiên họp toàn thể còn Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng có bài phát biểu thông qua hình thức trực tuyến.
Bắt đầu từ năm 1997, SPIEF - được Tổng thống Nga bảo trợ từ năm 2006, trở thành một diễn đàn uy tín nhằm thảo luận các xu hướng, thách thức và triển vọng phát triển kinh tế của nước Nga và thế giới; điểm đến của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Năm 2020, kế hoạch tổ chức Diễn đàn bị hủy bỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Mỹ-Trung lại "có biến"
Ngày 2/6, Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), Trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc tham gia Đối thoại Kinh tế toàn diện Trung-Mỹ, đã thảo luận trực tuyến với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, bà Yellen đã thảo luận với Trung Quốc về các kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm ủng hộ việc phục hồi nền kinh tế tiếp tục vững mạnh cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác trong các lĩnh vực nằm trong lợi ích của Mỹ và thẳng thắn giải quyết các vấn đề quan ngại.
Giới chức Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế. Trên tinh thần bình đẳng và tin tưởng lẫn nhau, hai bên đã trao đổi sâu rộng về tình hình kinh tế vĩ mô và hợp tác song phương, đa phương; thẳng thắn đề cập các vấn đề cùng quan tâm và bày tỏ sẵn sàng duy trì kênh liên lạc.
Trước đó, ngày 27/5, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng có cuộc thảo luận trực tuyến với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, cùng nhất trí rằng việc tăng cường thương mại song phương là rất quan trọng và khẳng định đảm bảo các kênh tiếp xúc.
Các cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao phụ trách kinh tế và thương mại của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới diễn ra trong vòng một tuần được người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong đánh giá là "suôn sẻ".
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, ngày 3/6, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp bổ sung 28 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" bị Washington áp đặt trừng phạt với lý do liên quan đến lĩnh vực công nghệ do thám hoặc quốc phòng.
Như vậy, số công ty Trung Quốc mà các nhà đầu tư bị cấm đầu tư vào đã tăng lên 59 công ty. Lệnh cấm đầu tư có hiệu lực từ ngày 2/8 và các cổ đông hiện tại có thời hạn 1 năm để rút đầu tư.
Trước đó, tháng 11/2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tương tự đối với 31 công ty Trung Quốc. Sắc lệnh có hiệu lực chỉ vài ngày trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống.
Tuy nhiên, sau nhiều vấn đề pháp lý khiến lệnh cấm chưa áp dụng triệt để, chính quyền của Tổng thống Biden đã rà soát lại "danh sách đen", loại bỏ và bổ sung trước khi chốt danh sách gồm 59 công ty Trung Quốc mà công dân Mỹ không được đầu tư.
Những động thái này dự báo quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ còn diễn biến phức tạp.
WHO phê chuẩn vaccine thứ 6, chênh lệch tiêm ngừa vẫn lớn
Ngày 1/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo đã phê chuẩn vaccine CoronaVac của hãng dược Sinovac Biotech (Trung Quốc) vào sử dụng khẩn cấp, khuyến cáo sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên, hai liều cách nhau 2-4 tuần.
Trước Sinovac, vaccine của hãng Sinopharm cũng đã được WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vào ngày 7/5. Đây là hai loại vaccine ngừa Covid-19 chủ chốt của Trung Quốc, đã được tiêm cho hàng trăm triệu người nước này và một số quốc gia khác.
Hiện một vaccine thứ ba của Trung Quốc, do CanSino Biologics sản xuất, được trình kết quả thử nghiệm lâm sàng để chờ xét duyệt, tuy nhiên WHO chưa lên kế hoạch đánh giá vaccine này.
Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO giúp các nước nhanh chóng phê duyệt và nhập khẩu vaccine để tiêm cho người dân, đặc biệt là những nước không có cơ quan quản lý tiêu chuẩn quốc tế. Tính đến nay, WHO đã phê duyệt khẩn cấp 6 loại vaccine ngừa Covid-19 gồm Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson (J&J), Moderna, Sinopharm và Sinovac.
Những vaccine do WHO phê duyệt còn được đưa vào chương trình COVAX, sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu chủ yếu cung cấp cho các nước nghèo, những nơi đang đối mặt vấn đề lớn về nguồn vaccine.
Tại Hội nghị cấp cao về tài trợ cho cơ chế COVAX do Nhật Bản và Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đồng tổ chức trực tuyến ngày 2/6, các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp thêm 2,4 tỷ USD cho cơ chế COVAX.
Hội nghị đặt mục tiêu huy động được 8,3 tỷ USD cho cơ chế COVAX nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine Covid-19. Số tiền này tương đương 1,8 tỷ liều vaccine đủ tiêm cho 30% dân số các nước đang phát triển trước đầu năm 2022.
Israel vẫn là nước dẫn đầu “cuộc đua tiêm vaccine” với tỷ lệ 6/10 người dân được tiêm ngừa đầy đủ. Tiếp theo là Canada với 59% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, Anh với 58,3%, Chile với 56,6%, Mỹ với 51%.
Ngoài việc đã thực hiện được việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng, các nước phát triển còn ký thỏa thuận mua thêm hàng tỷ liều vaccine trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, trái ngược với tình trạng dư thừa vaccine của nhiều quốc gia giàu có, rất nhiều quốc gia khác từ châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh… vẫn đang trong “cơn khát” vaccine và kỳ vọng dựa vào vaccine để thoát khỏi đại dịch, quay trở lại cuộc sống bình thường.
Theo số liệu từ Đại học Oxford của Anh, khu vực châu Phi đến nay chỉ 1% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Ở châu Á, con số này mới gần 5%.
(tổng hợp)