Tiểu dự án 1, Dự án 3: Cần sự đồng bộ, thống nhất
'Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Dự án 3 'Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị' đang được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh nỗ lực triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần thống nhất tháo gỡ từ cấp Trung ương.
Những ngày nắng nóng này, UBND xã Yên Lâm (Hàm Yên) chỉ đạo các tổ tuần tra bảo vệ rừng thôn Ngõa, Thài Khao, Nắc Con 1, Nắc Con 2 tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng trên địa bàn. Mỗi thành viên còn tích cực tuyên truyền rộng rãi đến người dân ý nghĩa, tầm quan trọng, các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng chí Vũ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết, thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3, xã có khoảng 2.060 ha rừng được giao khoán bảo vệ, được chi trả trên 882 triệu đồng. Đây là nguồn động lực để đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó với công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tích cực ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn.
Đồng chí Vương Văn Ninh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án bảo vệ phát triển rừng huyện Hàm Yên cho biết, toàn huyện có 5 xã Minh Khương, Minh Hương, Yên Phú, Yên Lâm, Yên Thuận đã được chi trả tiền khoán bảo vệ rừng năm 2022 với diện tích trên 4.382 ha, kinh phí gần 1,9 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân 100%. Đây cũng là cơ sở để năm 2023, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách. Bên cạnh kết quả đã đạt được, hiện nay các địa phương cũng đang đề nghị cấp trên chi trả tiền khoán bảo vệ rừng của năm 2021.
Huyện Hàm Yên là địa phương đi đầu toàn tỉnh trong thực hiện giải ngân nguồn vốn của Tiểu dự án 1, Dự án 3 năm 2022. Tiếp theo là huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn đã giải ngân nhưng còn chậm. Các huyện Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương hiện nay chưa giải ngân nguồn vốn năm 2022.
Trao đổi về nội dung này, chị Bùi Thị Liên, cán bộ Phòng Sử dụng và phát triển rừng, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, trước khi có Quyết định 1719, toàn tỉnh triển khai thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020. Kết thúc năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP. Địa phương bám sát vào chỉ đạo này là Hàm Yên. Năm 2021, các tổ tuần tra, bảo vệ rừng thuộc 5 xã trên vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ như trước đây. Do đó, kiến nghị hỗ trợ chi trả tiền khoán bảo vệ rừng năm 2021 là hoàn toàn chính đáng.
Đến tháng 10-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/2021/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, thời điểm đó chưa có Thông tư hướng dẫn của các bộ và không được giao kinh phí thực hiện năm 2021. Ngày 1-7-2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 428/QĐ-UBND về việc giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, nguồn vốn của Tiểu dự án 1, Dự án 3 năm 2022 được giao 29 tỷ đồng để triển khai 2 nội dung: Khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng.
Căn cứ quyết định giao kế hoạch vốn, các đơn vị được giao sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thuê tư vấn lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng. Quá trình lập hồ sơ triển khai từ cấp xã nên mất nhiều thời gian, dẫn đến giải ngân muộn. Đồng chí Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, toàn xã có 1.621 ha rừng tự nhiên được khoán, bảo vệ theo Nghị định 75.
Thực hiện Quyết định 1719, UBND xã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng. Toàn xã chỉ còn gần 486 ha đảm bảo theo yêu cầu. Tháng 4-2023, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) mới được giải ngân nguồn vốn theo Tiểu dự 1, Dự án 3 năm 2022. Tuy nhiên, do triển khai muộn nên nguồn vốn chi trả cho tổ tuần tra bảo vệ rừng, các hộ dân chỉ được tính trong 6 tháng cuối năm 2022.
Hiện nay, toàn tỉnh đã giải ngân được trên 8 tỷ đồng, đạt gần 28% kế hoạch được giao năm 2022. Trong đó, 17,5 tỷ đang tiếp tục được giao các xã giải ngân; 3,5 tỷ đồng đã được giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng Cham Chu và Ban quản lý rừng đặc dụng Tân Trào không thể giải ngân được.
Bởi theo Quyết định 1719 có quy định đối tượng được nhận hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; diện tích rừng đặc dụng giao cho các tổ chức kinh tế theo quy định hiện hành… Hơn 1 năm sau, tháng 9-2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành Thông tư 12, hướng dẫn về hoạt động lâm nghiệp được sử dụng vốn sự nghiệp cho Tiểu dự án 1, Dự án 3 không có đối tượng rừng đặc dụng của các Ban Quản lý rừng đặc dụng.
Thực tế cho thấy, hiện nay chưa có sự đồng bộ trong thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3. Do đó, xảy ra tình trạng chi trả tiền hỗ trợ khoán bảo vệ rừng của các địa phương không giống nhau. Các cấp, ngành có liên quan đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với hoạt động hỗ trợ bảo vệ rừng. UBND tỉnh đang tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Trung ương các giải pháp về cơ chế điều hành vốn năm 2022, nhất là với những địa phương chưa giải ngân được nguồn vốn giao khoán bảo vệ rừng nhằm đảm bảo theo các quy định của pháp luật, vừa phát huy hiệu quả nguồn vốn được giao.
Năm 2023, tỉnh đã giao vốn cho các địa phương, đơn vị thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 là 53,3 tỷ đồng để thực hiện các chính sách gồm: Hỗ trợ bảo vệ rừng, giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng rừng sản xuất và trợ cấp gạo cho các hộ gia đình nghèo tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Việc thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là đối với người dân miền núi, vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn.