Tiêu dùng bền vững: Không chỉ xanh là đủ

Bên cạnh chất lượng sản phẩm và giá thành, người tiêu dùng giờ đây sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm được kinh doanh có đạo đức, có dịch vụ hậu mãi và dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên biệt hướng tới coi khách hàng là trung tâm...

Ảnh: Lễ Công bố & Vinh danh Top 10 Sản phẩm – Dịch vụ ấn tượng Tin Dùng 2024 và Top 50 Sản phẩm - Dịch vụ Tin Dùng Việt Nam 2024.

Ảnh: Lễ Công bố & Vinh danh Top 10 Sản phẩm – Dịch vụ ấn tượng Tin Dùng 2024 và Top 50 Sản phẩm - Dịch vụ Tin Dùng Việt Nam 2024.

Ngày 20/12/2024, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Lễ Công bố & Vinh danh Top 10 Sản phẩm – Dịch vụ ấn tượng Tin Dùng 2024 và Top 50 Sản phẩm - Dịch vụ Tin Dùng Việt Nam 2024 được người tiêu dùng bình chọn. Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam… cùng các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Chương trình Tin Dùng Việt Nam là sự kiện thường niên được Thời báo Kinh tế Việt Nam, nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam khởi xướng và duy trì từ năm 2006 đến nay với sứ mệnh kiến tạo và phát triển một cộng đồng kết nối giữa nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh, phân phối sản phẩm – dịch vụ và người tiêu dùng Việt Nam. Chủ đề trọng tâm của chương trình Tin Dùng Việt Nam 2024 là: Thương hiệu tích cực – Tiêu dùng bền vững. Theo đó, tiêu chí đánh giá và bình chọn tập trung vào các sản phẩm – dịch vụ tích cực, chủ động thích ứng với sự thay đổi của thị trường, xanh hóa và số hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đảm bảo các hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm.

Ông Đào Quang Bính, Tổng Giám đốc, Tổng Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, phát biểu khai mạc Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2024.

Ông Đào Quang Bính, Tổng Giám đốc, Tổng Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, phát biểu khai mạc Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2024.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đào Quang Bính, Tổng Giám đốc Tạp chí Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành bán lẻ trong năm 2024. Trong khi đó, người tiêu dùng hiện có xu hướng tập trung nhu cầu vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm thân thiện với môi trường, cũng như tận dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo cho trải nghiệm khách hàng, đưa đến những chất lượng dịch vụ cao hơn cho ngành bán lẻ.

Đáng chú ý, xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội cho ngành bán lẻ phát triển các mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại, xanh hóa chuỗi cung ứng và đẩy mạnh phân phối, tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Do đó, bán lẻ bền vững không chỉ là vấn đề về sản phẩm xanh hay chuỗi cung ứng thân thiện môi trường mà còn phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao trải nghiệm của họ. Người tiêu dùng hiện đại mong đợi sự minh bạch trong thông tin sản phẩm, dịch vụ khách hàng tốt hơn và các giải pháp mua sắm thuận tiện, đặc biệt qua các nền tảng số.

PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phát biểu tại Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2024.

PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phát biểu tại Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2024.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhận định trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam có cơ hội trở thành cứ điểm mới trong xu hướng tái cấu trúc của các công ty đa quốc gia trong ngành bán lẻ.

“Vì vậy, phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững cần hướng tới việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại, phát triển các mô hình đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng”, ông Linh nhấn mạnh. Ông cũng nhận xét rằng các thương hiệu cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đề cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

Số hóa đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu này. Các hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM), trí tuệ nhân tạo (AI), và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) không chỉ giúp cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, mà còn nhanh chóng giải quyết các vấn đề của khách hàng. Điển hình, trong cuộc đua số hóa và phát triển mô hình bán hàng đa kênh trong thời gian qua, sàn thương mại điện tử MMPro cho khách hàng B2B, MM Click&Get cho khách hàng hộ gia đình, và phần mềm tích điểm MCard được xem là chiến lược trọng điểm của chuỗi bán lẻ MM Mega Market, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Các đại biểu tham dự Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2024.

Các đại biểu tham dự Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2024.

Tương tự, trong hành trình phát triển bền vững, LOTTE Mart đặt trọng tâm vào việc tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm cho khách hàng thông qua các nền tảng số. Với tầm nhìn chiến lược, LOTTE Mart đã sớm triển khai ứng dụng mua sắm trực tuyến từ 5 năm trước, hiện được nâng cấp thành nền tảng LOTTE Mart Online, mang lại nhiều tiện ích nổi bật. Ứng dụng này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm nhanh chóng với dịch vụ giao hàng trong vòng 2 giờ, mà còn tích hợp các tính năng thông minh như tạo danh sách sản phẩm và sắp xếp thời gian mua sắm theo nhu cầu cá nhân, đảm bảo tiêu chuẩn tươi ngon và chất lượng đồng đều.

Các nỗ lực bền vững trong kinh doanh thường xoay quanh việc giảm tác động đến môi trường như giảm rác thải, cắt giảm nhựa và sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy khách hàng ngày nay đòi hỏi nhiều hơn thế. Họ kỳ vọng các đơn vị không chỉ bảo vệ môi trường mà còn thực hiện các trách nhiệm xã hội, từ việc cải thiện điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng đến hỗ trợ cộng đồng địa phương - những yếu tố cốt lõi của một mô hình kinh doanh bền vững, hướng về con người.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2024 phát hành ngày 23/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây :

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Minh Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tieu-dung-ben-vung-khong-chi-xanh-la-du.htm