Tiêu - hương vị cay thơm nồng đặc trưng theo mỗi vùng miền Việt Nam

Lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm tới 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu của cả thế giới.Hồ Tiêu là một trong những loài cây leo phổ biến tại Việt Nam. Ở mỗi vùng miền, tiêu lại mang lại hương vị khác nhau.

“Hạt ngọc đen” của đảo Phú Quốc

Cây tiêu thích hợp với đất cát pha của Phú Quốc, vì vậy, nơi đây chính là vựa tiêu lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Với đặc tính 2 mùa mưa, nắng rõ rệt, bà con thường trồng tiêu từ mùa mưa, tới đầu mùa nắng thì bắt đầu thu hoạch và phơi tiêu.

Tiêu Phú Quốc có 3 loại chính: tiêu đỏ chín trên cây, được hái thủ công bằng tay; tiêu đen là hạt tiêu còn xanh được hái hàng loạt rồi phơi khô; tiêu sọ là loại đã được bóc vỏ, chỉ còn lại lõi hạt. Hồ tiêu ở đây nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng. Với vị cay đặc trưng, tiêu thường được thêm vào món ăn để lấn át bớt mùi tanh của thủy, hải sản. Đặc biệt, tiêu Phú Quốc dù cay nhưng nấu lên lại có vị ngọt khác biệt so với các loại khác.

Nghề trồng tiêu ở Phú Quốc ngoài mục đích kinh tế còn mang đậm giá trị về văn hóa và du lịch. Huyện Phú Quốc đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Hồ tiêu Phú Quốc” nhằm đảm bảo giá trị của sản phẩm tương xứng với chất lượng vốn có của nó. Hiện nay, hồ tiêu Phú Quốc được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như tiêu khô, tiêu xay, muối hồng tiêu, muối tiêu chanh, tiêu tươi ngào đường. Không chỉ phục vụ khách du lịch, tiêu Phú Quốc còn được tiêu thụ tại đất liền Kiên Giang, TP HCM, các tỉnh lân cận và xuất khẩu.

Tiêu Tiên Phước (Quảng Nam)

Tiêu Tiên Phước là giống cây bản địa đặc trưng của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Theo người bản xứ, cây tiêu có mặt ở Quảng Nam từ thế kỷ 17. Đây là giống tiêu sẻ, lá nhỏ, hạt nhỏ vừa, phơi khô có màu đen, nhiều nếp nhăn, có mùi thơm nhẹ và độ cay nồng.

Theo số liệu phân tích từ Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM năm 2015, hạt tiêu Tiên Phước có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt trên tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) như hàm lượng piperin đạt từ 6,07 - 6,38% (TCVN: ≥4,0), đặc biệt là hàm lượng chất chiết ete là 7,18 - 7,89% (TCVN: ≥6,0) và hàm lượng dầu bay hơi từ 3,53 - 3,60% (TCVN: ≥2,0). Do đó, tiêu Tiên Phước rất được ưa chuộng trên thị trường trong nước và cả thị trường quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Nga...

Vụ thu hoạch tiêu thường rơi vào tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Tiêu già được hái về, đem luộc rồi tách hết vỏ sau đó phơi cho già nắng, khô hẳn để tránh nấm mốc rồi mới đóng gói và bán ra thị trường. Huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã chọn sản phẩm tiêu Tiên Phước cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020.

Tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị)

Từ thế kỷ 18, trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn, hồ tiêu Quảng Trị đã được nhắc đến là sản vật được nhiều thương lái nước ngoài đến tìm mua, là mặt hàng quý hiếm của Đàng Trong để xuất khẩu ra cảng Thanh Hà. Trên những vùng đất bazan, cùng những đặc điểm về địa hình và khí hậu khắc nghiệt, sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị có hạt nhỏ tròn đều, vị cay nồng và hương thơm đặc trưng. Đặc biệt, thương hiệu tiêu Vĩnh Linh của Quảng Trị là đặc sản có danh tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng vì rất cay và rất thơm.

Với khả năng chống chịu thời thiết khắc nghiệt tốt, sinh trưởng và phát triển khỏe, tiêu Vĩnh Linh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với những đặc tính vượt trội, hiện nay giống tiêu Vĩnh Linh được người dân lựa chọn để trồng nhiều ở nơi như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Bình Phước…

Hồ tiêu Chư Sê

Tây Nguyên là vùng đất có khí hậu nhiệt đới gió mùa, được chia làm hai mùa: mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Chế độ nhiệt và ẩm phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây hồ tiêu. Trong các tỉnh Tây Nguyên, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) là một trong những huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất vùng. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, ở vùng đất này, hồ tiêu đã được coi là loại hàng hóa có giá trị cao.

Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể cho thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”. Đây cũng là thương hiệu đầu tiên dành cho những người nông dân Tây Nguyên. Hạt tiêu Chư Sê to đều và đẹp với độ đen bóng, có mùi thơm đặc trưng, cay nồng. Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế. Sản phẩm tiêu Chư Sê được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU và Mỹ.

Lộc Ninh - Thủ phủ hồ tiêu

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây tiêu, tỉnh Bình Phước được xem là thủ phủ hồ tiêu của cả nước. Trong đó, huyện Lộc Ninh là địa phương chiếm phần lớn diện tích tiêu của tỉnh. Tiêu Lộc Ninh cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh có tiêu đen, tiêu trắng, tiêu xanh, tinh dầu tiêu, muối tiêu và bột tiêu.

Tiêu đen Bà Rịa Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giáp biển nên có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, mưa nắng xen kẽ. Với nền nhiệt độ, độ ẩm không khí cao và ổn định, mùa khô không khắc nghiệt, chế độ mưa phù hợp, vùng đất bazan này đã góp phần tạo nên đặc điểm riêng cho hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đầu năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu nổi tiếng và giao cho Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Hạt tiêu đen Bà Rịa – Vũng Tàu là quả khô nguyên hạt có màu nâu, xám hoặc đen. Hạt tiêu to, săn chắc, vỏ mỏng. Mùi thơm và vị cay nồng.

Tổng hợp

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tieu-huong-vi-cay-thom-nong-dac-trung-theo-moi-vung-mien--29173.html